Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc

10:54, 20/10/2009

Đại Từ có diện tích tự nhiên trên 577km2 với 8 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó có  7 dân tộc thiểu số chiếm khoảng gần 25% dân số toàn huyện. Đồng bào dân tộc sống chủ yếu ở các xã phía Bắc của huyện và dọc chân dãy núi Tam Đảo.

 

Một số xã có tỷ lệ người dân tộc cao như xã Quân Chu (70% là người Dao, người Sán Chí); xã Phúc Lương, xã Đức Lương (gần 80% là người Tày, Nùng)... Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Đại Từ có truyền thống yêu nước, đoàn kết lâu đời, luôn tin tưởng và một lòng đi theo Đảng trong công cuộc giải phóng đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Truyền thống cách mạng vẻ vang của Đại Từ được tạo dựng, hun đúc từ sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của 8 dân tộc anh em và trải qua các thời kỳ sức mạnh ấy luôn là nền tảng, là động lực để Đại Từ vững bước đi lên.

 

Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện chiến tranh xâm lược nước ta. Đến đầu năm 1884, khi những tên lính Pháp đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Đại Từ đã gặp phải sự chống trả quyết liệt với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân các dân tộc trong huyện. Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, đến năm 1936, tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được thành lập tại xã La Bằng (Đại Từ) với 4 đảng viên đều là người dân tộc thiểu số, đó là các đồng chí: Đường Văn Hon, Hoàng Văn Ái, Hoàng Văn Nghiệp và Đường Văn Ngăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc huyện Đại Từ phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất, đoàn kết cùng nhân dân tỉnh Thái Nguyên và nhân dân cả nước quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

 

Với khẩu hiệu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", Đại Từ đã huy động sức người, sức của đóng góp cho tiền tuyến, góp phần để hai cuộc kháng chiến của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn. ở khắp các xã trong huyện đã dấy lên phong trào cứu quốc sôi nổi, trong đó có các hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số đã hết lòng bảo vệ cán bộ, tích cực vận động nhân dân ủng hộ cách mạng như bà Đại Quyết (dân tộc Dao ở xã Hoàng Nông), bà Đàm Thị Lan (dân tộc Nùng ở xã Yên Lãng)... Đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến, Đảng bộ huyện Đại Từ đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng như việc thi hành chủ trương tăng cường công tác vùng cao; nhiệm vụ công tác giáo dục miền núi...

 

Từ cội nguồn sức mạnh là tinh thần đại đoàn kết, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Đại Từ đã giành được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc. Huyện Đại Từ và 12 xã của huyện đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Trương Văn Nho - Chủ nhiệm HTX Thành Công - một trong những mô hình HTX nông nghiệp đầu tiên của cả nước đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Toàn huyện có 30 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trong đó có nhiều bà mẹ là người dân tộc thiểu số như mẹ Lương Thị Nhất (dân tộc Sán Chí, xã Phục Linh), mẹ Trần Thị Lai (dân tộc Cao Lan, xã Minh Tiến)...

 

Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đặc biệt là thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc miền núi, Đảng bộ huyện Đại Từ đã tập trung xây dựng các chương trình hành động để đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Gắn với việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị chung, Đảng bộ huyện đã đặc biệt quan tâm và thực hiện hiệu quả công tác dân tộc. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã ATK được chỉ đạo thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến năm 2008, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình 134, 135 trên địa bàn đã đạt trên 50 tỷ đồng (trong đó nhân dân các dân tộc đóng góp gần 10 tỷ đồng).

 

Trong nhiều năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đối với cán bộ là người dân tộc luôn được chú trọng. Hiện nay, toàn huyện có 190 đồng chí cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số đã được đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ sơ cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó trên 60% đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị. Số đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2004 - 2009 là người dân tộc thiểu số chiếm 26,6%, ở cấp xã là 18%. Nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có người dân tộc thiểu số tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể,  Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở tập trung đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động. Đến nay, số đoàn viên, hội viên của các đoàn thể là người dân tộc thiểu số đạt trên 14 nghìn người. Qua thực hiện các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số điển hình trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự như mô hình làm kinh tế vườn rừng của ông Đặng Hoàng Long (người dân tộc Dao, xã Quân Chu) hàng năm cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng; ông Phan Ngọc Lan (người dân tộc Nùng, xã Phú Lạc) đã hiến gần 400m2 đất thổ cư để làm đường giao thông... Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong công cuộc đổi mới đất nước, huyện Đại Từ một lần nữa vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Có thể khẳng định, nền tảng và cũng là sức mạnh to lớn để huyện Đại Từ vươn lên đạt được những thành tích xuất sắc cả trong thời kỳ kháng chiến và trong công cuộc đổi mới là do đã phát huy được cao độ sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong huyện, chú trọng thực hiện tốt công tác dân tộc. Trước hết, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp đồng bào dân tộc thiểu số được thông tin, tiếp cận, hiểu rõ và đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, từ đó chấp hành và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách. Đồng thời quan tâm tổ chức các phong trào thi đua yêu nước một cách sâu rộng, hiệu quả do vậy đã khơi dậy và phát huy được tinh thần cần cù, chịu khó cũng như khả năng, nội lực của đồng bào dân tộc trong phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

 

Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào dân tộc, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực ở vùng đồng bào dân tộc. Với những cách làm đó, huyện Đại Từ đã và đang thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "làm cho đồng bào dân tộc được ấm no, được học hành và phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội", đưa quê hương Đại Từ anh hùng vững bước đi lên trên con đường đổi mới.