Bước ngoặt mới của liên kết Tiểu vùng Mekong - Nhật Bản

07:43, 06/11/2009

Sáng kiến tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản với Tiểu vùng Mekong được đánh giá là một bước ngoặt mới nhằm liên kết hai khu vực có nhiều tiềm tăng phát triển này ở châu Á và trên thế giới.

 

Việt Nam mong muốn phía Nhật Bản giúp các nước lưu vực sông Mekong nghiên cứu, lập dự án cùng bảo vệ và sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước sông Mekong

 

Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ nhất diễn ra tại Nhật Bản ngày 6-7/11/2009 theo sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản với các nước sông Mekong về môi trường, hạ tầng và nguồn nhân lực. Chính phủ Nhật Bản mong muốn sau Hội nghị này sẽ ra Tuyên bố Tokyo, đồng thời thông qua kế hoạch hành động cụ thể, trong đó Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới bảo vệ môi trường ở khu vực này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao giữa 5 nước Tiểu vùng Mekong ((Campuchia, Lào, Myamar, Thái Lan và Việt Nam) với Nhật Bản.

 

Từ nhiều năm nay, Nhật Bản luôn là đối tác hợp tác nhiều mặt của các nước thuộc Tiểu vùng Mekong và các nước Tiểu vùng Mekong luôn nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của Nhật Bản trong phát triển kinh tế và xã hội. Sáng kiến tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản với Tiểu vùng Mekong được phía Nhật Bản cho là một bước ngoặt mới nhằm liên kết hai khu vực có nhiều tiềm tăng phát triển này ở châu Á và trên thế giới.

 

Các nước lưu vực sông Mekong giàu tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp. Về môi trường xã hội, đây là khu vực đông dân cư, đa sắc tộc, có các nền văn hóa phong phú.

 

Từ những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ XX, xu thế hợp tác, phát triển và hội nhập đã trở thành phương châm hành động thúc đẩy hợp tác trong Tiểu vùng Mekong. Liên kết, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, nguồn nước sông Mekong là những “động lực” thôi thúc các nước lưu vực sông Mekong tìm kiếm các cơ chế hợp tác song phương và đa phương nhằm giải quyết những yêu cầu chung của Tiểu vùng Mekong.

 

Nhật Bản là cường quốc kinh tế của châu Á và thế giới. Trong quá trình phát triển, Nhật Bản luôn coi các nước ở châu Á là một đối tác hợp tác quan trọng. Đặc biệt sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008/2009, khi kinh tế Mỹ và châu Âu hồi phục chậm, trong khi châu Á đi đầu trong việc thoát ra khỏi khủng hoảng, hợp tác giữa Nhật Bản với các nước châu Á, đặc biệt là với Tiểu vùng Mekong và toàn khu vực Đông Nam Á ngày càng được tăng cường.

 

Tiểu vùng Mekong và Nhật Bản cùng là những quốc gia ở châu Á, hình thành và phát triển từ các nền văn minh phương Đông; do đó có nhiều điểm tương đồng trong lối sống, cách tư duy. Sự tương đồng đó là nhân tố quan trọng đối với quá trình phát triển và hữu nghị hợp tác giữa Tiểu vùng Mekong và Nhật Bản. Sáng kiến của Nhật Bản và hợp tác Nhật Bản - Mekong phát huy hiệu quả sẽ góp phần nâng cao vai trò của Nhật Bản trong hợp tác với các nước trong khu vực và ASEAN, mang lại lợi ích cho cả hai bên, qua đó đóng góp vào hòa bình, phát triển ở ASEAN và châu Á.

 

Việc tăng cường quan hệ Nhật Bản - Tiểu vùng Mekong diễn ra trong bối cảnh nhiều cường quốc khu vực và thế giới coi Đông Nam Á, trong đó có Tiểu vùng Mekong là trung tâm của các mối quan hệ đa phương mới. Trước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tổ chức các hội nghị cấp cao với các nước ASEAN. Cuối tháng này, tại Singapore sẽ diễn ra hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN lần thứ nhất.

 

Đối với Việt Nam, tăng cường quan hệ với Nhật Bản luôn được chú trọng. Đến nay hai bên đã nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược.

 

Về chính trị, Việt Nam và Nhật Bản đã xây dựng cơ chế đối thoại ở nhiều cấp về kinh tế, an ninh và quốc phòng.

 

Nhật Bản hiện là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, sau khi hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Đặc biệt, ngày 1/10/2009, Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam- Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản.

 

Dự Hội nghị cấp cao Nhật Bản - Mekong lần thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phía Nhật Bản giúp các nước lưu vực sông Mekong nghiên cứu, lập dự án cùng bảo vệ và sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước sông Mekong, coi đây là việc quan trọng, kết nối hiệu quả Nhật Bản với các nước vùng sông Mekong. Đề nghị này được các nước ủng hộ đưa vào Tuyên bố Tokyo và Chương trình hành động Tokyo. 

 

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và các nước Tiểu vùng Mekong đã nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản thường niên và Hội nghị cấp cao lần thứ hai năm 2010  sẽ tổ chức tại Việt Nam trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN.