Lần đầu tiên đánh giá hoạt động của UBTVQH

09:10, 21/11/2009

Lần đầu tiên các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận, đánh giá các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết và xây dựng tại phiên họp chiều 20/11.

 

Tập trung vào “5 nhiệm vụ công tác”

 

Báo cáo trước Quốc hội về kết quả công tác năm 2009 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2010, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, năm 2009, UBTVQH đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, giải quyết một khối lượng lớn công việc, đảm bảo chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hiệu quả của Quốc hội.

 

“UBTVQH luôn ý thức chủ động tìm tòi, nghiên cứu lý luận, bám sát thực tiễn để đổi mới tổ chức hoạt động một cách thiết thực, từng bước vững chắc, tăng cường phối hợp với các cơ quan trên các mặt công tác với phương thức làm việc thật sự dân chủ, khoa học, đúng pháp luật, phát huy trí tuệ tập thể, cá nhân và cử tri để nâng cao hiệu quả công tác”, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

 

Thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế, UBTVQH chỉ ra  những khuyết điểm như việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chương trình làm luật, pháp lệnh còn chưa kiên quyết dẫn đến chất lượng một số dự án luật chưa cao, một số hoạt động giám sát hiệu lực, hiệu quả hạn chế, chưa có cơ chế kiểm tra thực hiện kiến nghị sau giám sát…

 

Về nhiệm vụ năm 2010, UBTVQH sẽ tập trung vào 5 nội dung chính gồm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuẩn bị, chủ trì các kỳ họp Quốc hội; đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng pháp luật; tăng cường hoạt động giám sát; nâng chất chất lượng hoạt động đối ngoại và chỉ đạo các nhiệm vụ khác thuộc trách nhiệm của UBTVQH.

 

Và nâng cao 3 chức năng hàng đầu

 

 Đa số các ý kiến đại biểu đều hoan nghênh UBTVQH đã có báo cáo nghiêm túc đánh giá về hoạt động trong năm qua để các đại biểu thảo luận, góp ý.

 

Đóng góp cho việc cải tiến hoạt động của UBTVQH, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cho rằng, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, cần sớm tiến hành sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Có như vậy, hoạt động giám sát và kiến nghị giải quyết của Quốc hội mới đi vào cuộc sống.

 

“Tới đây, UBTVQH cũng nên có báo cáo về việc đã đình chỉ, hủy bỏ bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật sai trái của các cấp các ngành, vì đây là thẩm quyền của UBTVQH”, đại biểu của tỉnh Tây Ninh kiến nghị.

 

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên kiến nghị cần có kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để nâng cao chức năng thẩm tra, giám sát, kiến nghị của Quốc hội trong thời gian tới.

 

Đánh giá cao sự cải tiến hoạt động của UBTVQH năm qua, tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) cho rằng, nhiều dự thảo luật, pháp lệnh trước khi trình không được gửi sớm cho đại biểu để tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng về vấn đề mà dự án luật điều chỉnh, từ đó mới có những đóng góp ý kiến xác đáng từ thực tiễn đời sống.

 

Các đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) đều cho rằng, vai trò của UBTVQH chính là nhân tố quyết định thành công trong các kỳ họp của Quốc hội. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, các đại biểu đều cho rằng, ba chức năng quan trọng hàng đầu của Quốc hội là hoạt động thẩm tra, giám sát, kiến nghị  cần tăng cường hơn nữa đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội thực sự hiệu quả khi là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.

 

Hôm nay 21/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Trọng tài thương mại và Luật thuế nhà, đất.