Tháng 12 sẽ có các chính sách hỗ trợ kinh tế mới

08:07, 20/11/2009

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hôm  qua (19/11), đã đăng đàn Quốc hội để trả lời các vấn đề liên quan đến chống tham nhũng, lãng phí, các chính sách kích thích nền kinh tế…

 

Kiên quyết xử lý đúng pháp luật những vụ việc tham nhũng nổi cộm mà nhân dân quan tâm

 

 Dường như chưa hài lòng với những giải đáp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 18/11 về chống tham nhũng, lãng phí, hôm nay, đại biểu Lê Văn Cuông  - Thanh Hoá tiếp tục chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nội dung này.

 

Giải đáp đại biểu Cuông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với sự nỗ lực, kiên quyết của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta đạt được những kết quả tích cực bước đầu, được nhân dân đồng tình như về việc nâng cao nhận thức, nâng cao trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành trong phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện thể chế luật pháp, quy định theo hướng công khai hơn, minh bạch hơn, đầy đủ hơn và theo kinh tế thị trường để nhân dân kiểm soát, kiên quyết xử lý đúng pháp luật những vụ việc tham nhũng nổi cộm mà nhân dân quan tâm…

 

Thủ tướng cũng đánh giá, việc tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, của nhân dân vào công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng thiết thực hơn. Tuy nhiên, theo nhận định chung thì tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Khi xác định vấn đề này, Đảng cũng đã khẳng định vấn đề tham nhũng phải đấu tranh một cách kiên trì, kiên quyết, đồng bộ với các giải pháp, từ giáo dục nâng cao đạo đức, trách nhiệm, từ việc hoàn thiện thể chế, từ việc công khai, minh bạch, từ việc kiểm tra, giám sát, từ việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, từ việc từng bước nâng cao đời sống của cán bộ, công chức...

 

 Riêng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã kiểm điểm thấy rằng đã làm được nhiều việc nhưng còn phải tiếp tục làm, triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ. Các vụ việc đã được dư luận, xã hội, các cơ quan chức năng phát hiện đều được kiểm tra, yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý, điều tra, truy tố xem xét theo đúng pháp luật. Còn các cơ quan, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở địa phương mới bước đầu có nơi vừa mới thành lập xong, mới kiện toàn nhưng đã tích cực bước vào hoạt động.

“Tuy nhiên quá trình hoạt động để đem lại một kết quả ngày càng cao hơn, đáp ứng mong đợi, yêu cầu của nhân dân, của cả xã hội ta về phòng, chống tham nhũng còn phải cố gắng nhiều hơn”, Thủ tướng nói.

 

 “Tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp và hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đang còn hạn chế có liên quan đến công tác tổ chức của Ban chỉ đạo này hay không bởi vì Trưởng Ban chỉ đạo là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh "vừa đá bòng vừa thổi còi", như thế có ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động hay không”, đại biểu Cuông chất vấn tiếp.

  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban đã được thảo luận kỹ.

 

 “Có nhiều ý kiến khác nhau thảo luận kỹ ở Trung ương, thảo luận kỹ ở Quốc hội và Ban này mới hình thành, thời gian cũng chưa nhiều chúng ta cần theo dõi thêm và đánh giá từ thực tiễn, chưa nên vội vàng kết luận”, Thủ tướng nói.

 

 Tiếp nối nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết  - Lạng Sơn bày tỏ sự quan tâm đến vụ PCI và một số nghi án tương tự trong thời gian vừa qua cho thấy đang lộ diện dần một số biểu hiện mới của tội phạm tham nhũng, cụ thể là nhận hối lộ của tổ chức cá nhân nước ngoài, hối lộ tổ chức nước ngoài. “Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chuẩn bị như thế nào về mặt tư pháp cho hội nhập và sắp tới sẽ áp dụng những biện pháp như thế nào để phòng chống loại tội phạm này?”, ông Thuyết hỏi.

 

 Trả lời câu hỏi của đại biểu Thuyết, Thủ tướng đã nhắc lại vụ án PCI. Nhà chức trách Nhật Bản, nhà nước Nhật Bản, cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhật Bản đã xét xử một số quan chức của công ty này về tội đưa hối lộ. Trong xét xử các quan chức PCI về tội danh này, có liên quan đến dự án Đại lộ Đông - Tây của Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể trong đó có liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sỹ và một vài cá nhân khác.

 

 “Khi được thông tin này, các cơ quan chức năng của chúng ta, mà chính tôi cũng đã trực tiếp yêu cầu các cơ quan chức năng của chúng ta rất có trách nhiệm là tìm hiểu vấn đề này, phối hợp với bạn về vấn đề này theo đúng pháp luật của Việt Nam. Và những gì mà chúng ta đã phát hiện được, chúng ta đã có chứng cứ và theo pháp luật Việt Nam chúng ta truy tố, đã khởi tố, đã xét xử ông Sỹ và một số người liên quan, đó là xét xử theo pháp luật của Việt Nam, theo những chứng cứ tư pháp, chứng cứ pháp luật mà chúng ta có được. Đồng thời chúng ta cũng yêu cầu bạn cung cấp cho chúng ta những chứng cứ mà bạn có được. Các cơ quan chức năng cũng báo cáo với tôi là gần đây bạn đã chuyển hồ sơ xét xử của cơ quan tư pháp của bạn, tôi nghe nói là hàng ngàn trang gì đó, các đồng chí nói là cũng khó khăn trong kinh phí, trong dịch thuật và tôi đã đồng ý cấp kinh phí và yêu cầu làm sao phải dịch thuật tài liệu đó ra tiếng Việt Nam cho chuẩn xác, trên cơ sở đó phải xem xét thông tin đó theo pháp luật của Việt Nam, đảm bảo với tinh thần đúng người, đúng tội, không bỏ sót tội nhưng cũng không làm oan”, Thủ tướng nói.

 

Thủ tướng cũng cho biết, qua thực tiễn này, nếu thấy khiếm khuyết nào của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung thì Chính phủ sẽ đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm việc quản lý xã hội ngày càng tốt hơn, phù hợp hơn trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

 

 Thủ tướng cũng khẳng định, đối với những việc mà có thông tin từ bên ngoài là đưa hối lộ cho bất cứ công chức, quan chức nào của Việt Nam đều được Chính phủ quan tâm và yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp tìm hiểu, xem xét, xử lý một cách nghiêm túc theo đúng pháp luật của Việt Nam.

 “Thái độ của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cũng như Đảng và Nhà nước ta rất nghiêm túc đối với mọi biểu hiện hành vi tham nhũng tiêu cực, nhưng trước mọi biểu hiện, trước mọi hiện tượng đều phải làm một cách khách quan, một cách đầy đủ, nghiêm túc theo đúng pháp luật của Việt Nam, với tinh thần không để sót tội phạm nhưng cũng không làm oan cho một người nào. Tất cả phải bằng chứng cứ pháp luật, phải đứng trên cơ sở pháp luật”, Thủ tướng nói.

 

Đang rà soát lại quy hoạch thủy điện để điều chỉnh cho phù hợp tình hình mới

 

 Chất vấn về những bất cập quanh việc đầu tư, xây dựng, vận hành các nhà máy thủy điện được các đại biểu Ngô Văn Minh  - Quảng Nam, Nguyễn Đình Xuân  - Tây Ninh đưa ra.

 

 Liên quan đến nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc đầu tư phát triển thủy điện rất là cần thiết. Thủy điện là tiềm năng lớn của nước ta, cần phải phát huy, khai thác nhưng khi quy hoạch thủy điện thì luôn phải vừa đảm bảo yêu cầu phát điện, bảo đảm yêu cầu cung cấp nước cho sản xuất, cho sinh hoạt, yêu cầu tham gia vào cắt lũ, chặn lũ, giảm lũ cho hạ lưu, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Hiện nay, chúng ta đang tích cực triển khai nhiều dự án công trình để đưa vào sử dụng. Kết quả đem lại là thấy rất rõ: tổng nguồn của Việt Nam về thủy điện đã đạt hơn 30%.

 

 “Chúng tôi thấy bên cạnh mặt được thì phải làm gì qua thực tế biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ xảy ra vừa qua. Có những việc chúng ta chưa lường trước được, chúng ta chưa dự báo hết được, thậm chí những trạm quan trắc thủy văn ở Tây Nguyên, Kom Tum chúng ta đặt những trạm đó ở vị trí lũ lịch sử trước đây không tới, nhưng bây giờ đã cao hơn và nó cuốn đi hết trạm quan trắc đó. Đó là những cái chúng ta chưa lường hết, chúng ta chưa dự báo được hết mà không phải do năng lực, trình độ mà do biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của thiên tai”, Thủ tướng nói.

 

Để khắc phục hạn chế này, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát lại quy hoạch xem quy hoạch về thủy điện vừa, thủy điện lớn trên các hệ thống sông căn cứ vào diễn biến mới nhất của kịch bản biến đổi khí hậu mà Việt Nam vừa công bố để có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết, thích nghi được với thiên nhiên; Đánh giá, điều chỉnh và ban hành quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Đồng thời, Bộ Công thương đã ban hành bộ tiêu chí để xem xét, thẩm định, phê duyệt từng dự án thủy điện...

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Thị Nga  - Phú Yên về cơ chế để các Bộ trưởng thực hiện đúng lời hứa, Thủ tướng cho biết, việc thực hiện lời hứa là nhiệm vụ của Thủ tướng và trách nhiệm của Bộ trưởng. Các Bộ trưởng của Chính phủ rất có trách nhiệm đã giải trình, báo cáo trước Quốc hội và nhân dân đều có kế hoạch thực hiện báo cáo giải trình của mình. Thủ tướng luôn luôn yêu cầu các Bộ trưởng phải làm tốt một cách nghiêm túc các nhiệm vụ của mình, kể cả những việc đã hứa với nhân dân, đã giải trình và báo cáo trước Quốc hội. Những việc trong thẩm quyền của các Bộ trưởng thì Bộ trưởng phải thực hiện, chủ động phối hợp với các bộ khác để thực hiện, còn những việc nào thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì báo cáo để Thủ tướng xem xét quyết định, việc nào thuộc Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định.

  

Tháng 12 sẽ có chính sác kích thích kinh tế mới

 

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã thống nhất chủ trương là cần phải tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, kích thích thiết thực để vừa hỗ trợ cho phục hồi tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa để cho các doanh nghiệp thích ứng dần với lãi suất thị trường và không để lạm phát cao trở lại. Trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các chính sách đã áp dụng trong năm 2009, Chính phủ sẽ xem xét toàn diện để chính thức ban hành trong tháng 12 năm 2009 các chính sách hỗ trợ cụ thể áp dụng trong năm 2010.

 

Thủ tướng cũng cho biết, ngay sau Kỳ họp này của Quốc hội, Chính phủ sẽ họp với các địa phương, triển khai sớm Nghị quyết của Quốc hội về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.

 

“Chủ trương nhất quán của Chính phủ là không phát hành tiền cho chi tiêu ngân sách. Toàn bộ số vay bù đắp bội chi ngân sách được dành cho đầu tư phát triển. Việc điều hành chính sách tiền tệ phải theo nguyên tắc thị trường và chủ yếu thông qua các công cụ thị trường mở. Chủ động giữ ổn định và từng bước hạ mặt bằng lãi suất cho phù hợp với yêu cầu khôi phục tăng trưởng, nhất là sau khi Nhà nước giảm dần và kết thúc các giải pháp hỗ trợ kích thích kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán và bảo đảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo đảm thực hiện được mục tiêu tổng quát của kế hoạch năm 2010”, Thủ tướng nói.

 

 Chất vấn về chính sách kích thích kinh tế, đại biểu Lê Thị Dung  - An Giang tiếp tục theo đuổi mối quan tâm về Quyết định 497, được coi là gói hỗ trợ lãi suất dành cho nông dân nhưng người nông dân chưa thực sự được thụ hưởng.

 

 Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, các chính sách hỗ trợ kích thích kinh tế để đạt mục tiêu tổng hợp vừa ngăn chặn suy giảm kinh tế vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách là các chính sách đó đã tạo ra nguồn lực như tôi đã trình bày. Nguồn lực tổng hợp để thực hiện có kết quả mục tiêu đề ra năm 2009. Nhưng trong các chính sách đó, trong quá trình tổ chức thực hiện có cái chưa phù hợp, chưa tốt, Chính phủ đã nhìn nhận việc này và tiếp tục hoàn thiện, sơ kết, đánh giá hoàn thiện.

 

Riêng Quyết định 497 của Thủ tướng hỗ trợ cho nông dân mua máy móc, vật tư, mua máy móc để sản xuất nông nghiệp, mua vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn…, Thủ tướng cho biết, cuối tháng 4 mới ban hành quyết định này. Quyết định ra đời cũng đòi hỏi phải có hướng dẫn cụ thể của các bộ… nên đến tháng 9 mới đi vào bắt đầu triển khai, đi vào cuộc sống chưa được bao nhiêu.

 

Thủ tướng cũng thừa nhận, thực tế rà soát lại có những quy định chưa thật phù hợp và cũng còn khó khăn, Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung những điều cụ thể trong Quyết định 497, vừa xây dựng một Nghị định mới gọi là chính sách hỗ trợ tín dụng để cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn. Khi Nghị định này ra đời sẽ bao quát được hết và những nội dung của quyết định này sẽ được sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa vào Nghị định này.

 

“Trong khi chờ Nghị định đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cần thiết để Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai có kết quả tốt hơn”, Thủ tướng nói.

 

 

Tái cấu trúc nền kinh tế: Thực hiện một số bước ngay trong năm 2010

 

 Theo Thủ tướng, tái cấu trúc nền kinh tế mà nội dung chủ yếu là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, gắn liền với tái cấu trúc các ngành sản xuất, tái cấu trúc doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường là một vấn đề lớn, phải được thực hiện liên tục, lâu dài, trên cơ sở của sự phát triển khoa học - công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Đây là yêu cầu thường xuyên của mọi nền kinh tế, càng đặc biệt cấp thiết đối với nền kinh tế đang chuyển đổi như nước ta và trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biển đổi rất nhanh và đang phục hồi sau khủng hoảng.

 

 Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta là chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp nhỏ, phân tán, lạc hậu sang một nền nông nghiệp tiên tiến hiện đại; một nền công nghiệp từ chỗ chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên khoáng sản và lắp ráp, gia công sang các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến và phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; từ chú trọng ưu tiên cho xuất khẩu sang vừa coi trọng xuất khẩu, vừa kết hợp phát triển khai thác có hiệu quả thị trường nội địa với 86 triệu người tiêu dùng và tương lai không xa sẽ là 100 triệu với thu nhập và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Mục tiêu cuối cùng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế là tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và từng sản phẩm.

 

 Tuy nhiên, đây phải là một quá trình vận động chuyển đổi liên tục, tích cực từ thấp đến cao. Mặt khác, do điểm xuất phát của nền kinh tế nước ta còn thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo và nhất là lao động có chất lượng cao chưa nhiều, thị trường công nghệ chưa phát triển, nên chưa thể ngay lập tức từ bỏ việc phát triển theo “chiều rộng” để chuyển hẳn sang phát triển theo “chiều sâu”, mà phải kết hợp hài hoà và có bước chuyển dịch khẩn trương, thích hợp.

 

 Từ đó, Thủ tướng cho biết, những nội dung chủ yếu của tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ được đề cập đầy đủ trong Đề án và quá trình thảo luận  thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 nhưng ngay trong kế hoạch năm 2010, chúng ta cũng đã thể hiện một số bước cụ thể nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

 

"Việc tiếp tục huy động vốn đầu tư toàn xã hội tương đương khoảng 41% GDP, đồng thời bảo đảm giải ngân nhanh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, trong đó vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ trong kế hoạch năm 2010 chiếm 23% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, để tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ tạo thêm một bước quan trọng trong việc giải quyết các điểm nghẽn của phát triển, tạo tiền đề để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng", Thủ tướng khẳng định.