Bước ngoặt trong quan hệ Việt-Nga, kết quả thiết thực tại Copenhagen

09:13, 20/12/2009

Chuyến thăm, làm việc tại Liên bang Nga và dự Hội nghị biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã tạo được bước ngoặt trong quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, tạo hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam trên trường quốc tế với tinh thần xây dựng trong cuộc chiến biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Sáng nay 19/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Liên bang Nga từ 14-15/12 và dự Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu ở Copenhagen Đan Mạch từ 16-18/12.

 

 Kết quả vượt mong đợi trong quan hệ Việt Nga

 

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn trao đổi với báo chí về kết quả, ý nghĩa của 2 chuyến thăm, cho rằng chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đạt được thành công hết sức tốt đẹp, kết quả vượt ngoài dự kiến mong đợi.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống D. Medvedev, Thủ tướng V. Putin đã trao đổi sâu rộng trong bầu không khí hữu nghị truyền thống anh em, tin cậy rất cao và hiểu biết lẫn nhau, và nhất trí cao về nhiều biện pháp cụ thể nhằm củng cố và thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này đã khẳng định rất rõ độ tin cậy giữa hai nhà nước. Đây là sự tin cậy hết sức vững bền trên cơ sở tình hữu nghị anh em truyền thống vốn có lâu đời. Thủ tướng V. Putin trong cuộc tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không giấu tình cảm riêng của mình với Việt Nam. Thủ tướng Putin trân trọng và đánh giá rất cao tình cảm của nhân dân Việt Nam đã dành cho Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga ngày nay, cho cá nhân Thủ tướng và cho nhân dân Nga. Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Putin nhắc lại nhiều lần và khẳng định quan hệ tin cậy cởi mở đó dựa trên nền tảng của sự đoàn kết lâu đời giữa hai nước anh em.

 

“Tất cả những điều mà chúng ta mong muốn lần này, đàm phán với Liên bang Nga để cùng với chúng ta khẳng định quan hệ đối tác chiến lược thực sự trong giai đoạn mới, đều đã được khẳng định bằng kết quả thực tế. Hai Thủ tướng đã ký "Bản ghi nhớ về kết quả hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga", trong đó có những điểm hết sức then chốt với 3 định hướng chiến lược hợp tác lâu dài, nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật quân sự. Hai bên cũng nhất trí sớm đàm phán và mở khu tự do thương mại của hai nước”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết.

 

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng V. Putin đã thống nhất cao về phương hướng và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống và then chốt giữa Việt Nam - Liên bang Nga, trong đó, có các lĩnh vực là năng lượng, dầu khí, khai khoáng và kỹ thuật quân sự.

 

 Đây là các lĩnh vực hợp tác truyền thống với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Trong lĩnh vực dầu khí hai nước đã có liên doanh Vietsovpetro. Vietsovpetro là sự hợp tác có độ dày của thử thách giữa hai nước cũng như hai ngành dầu khí hai nước.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, thực tế Việt Nam đã có rất nhiều cán bộ trước đây được đào tạo ở Viện nghiên cứu hạt nhân của Liên Xô, bây giờ đang làm việc rất tích cực ở viện nghiên cứu của Việt Nam. Việc Việt Nam phải có một nhà máy điện nguyên tử để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần hội nhập vững chắc và sâu rộng vào thế giới là một tất yếu. Một trong những yêu cầu của chuyến đi lần này là làm sao cùng với bạn ký kết được thỏa thuận trong lĩnh vực này.

 

Các phương tiện thông tin đại chúng của Nga mấy ngày qua đã phản ánh đậm nét kết quả chuyến thăm làm việc tại Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam, đánh giá cao và ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga ngày càng được củng cố và tăng cường.

Các kênh truyền hình và báo chủ yếu của Nga trích phát biểu của Thủ tướng Putin khẳng định bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Nga và Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Thủ tướng Putin cho rằng quan hệ giữa hai nước mang tính đặc biệt, cả hai bên đều dành cho nhau tình cảm nồng nhiệt và sự chú ý cao.

 

 

Về hợp tác khoa học kỹ thuật quân sự, Việt Nam trong thời kỳ tiến hành hai cuộc chiến tranh, bảo vệ đất nước đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay. Do vậy, việc Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này trên cơ sở truyền thống vốn có với Liên bang Nga cũng là điều hết sức bình thường, góp phần tiếp tục duy trì tốc độ phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như khả năng phòng thủ bảo vệ đất nước chúng ta.

 

Việt Nam – Liên bang Nga quan hệ hợp tác lâu đời trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống KTXH của hai nước. Việt Nam đã có hàng chục nghìn kỹ sư, tiến sỹ kể cả công nhân kỹ thuật  được đào tạo ở Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay. Đội ngũ này đang lao động hết sức có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời là cầu nối hữu nghị cho nhân dân hai nước. Chuyến đi thể hiện đúng chủ trương, đường lối của Việt Nam - mở rộng quan hệ với tất cả các nước, các quốc gia láng giềng cũng như các bạn bè truyền thống, trong đó có quan hệ hữu nghị truyền thống anh em, tin cậy rất cao với Liên bang Nga.

 

Tham gia Hội nghị biến đổi khí hậu với nhiều kết quả thiết thực

 

Về kết quả Việt Nam tham dự Hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu tại Copenhagen ,Đan Mạch, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết, ngày 16/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu trước đại diện 192 nước trên thế giới tham dự Hội nghị. Dư luận thế giới đã đánh giá rất cao bài phát biểu này, thể hiện qua việc nhiều nước đến xin bài phát biểu của Thủ tướng.

 

Bài phát biểu khẳng định, trong thời gian tới nếu không có các biện pháp kịp thời để ứng phó với sự cố biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thì đây sẽ là vấn đề rât lớn đối với các quốc gia nghèo, các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là quốc gia biển nên vấn đề nước biển dâng, bão lũ, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế đất nước.

 

Phát biểu của Thủ tướng tại Hôi nghị lần này mang tính chất xây dựng cao, kêu gọi các nước hãy cùng đoàn kết với nhau để ứng phó biến đổi khí hậu, giúp các nước nghèo, các nước đang phát triển, đặc biệt các nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho hay, ý kiến của Việt Nam được các nước hoan nghênh vì Việt Nam đến Copenhagen với tấm lòng, với mong muốn cả thế giới phải cùng có trách nhiệm và các quốc gia phát triển phải có trách nhiệm hơn hết đối với các quốc gia nghèo và quốc gia đang phát triển, để bảo đảm sự phát triển bền vững của toàn thế giới.

 

Cũng nhân Hội nghị này, Việt Nam đã tổ chức được nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị, thông qua đó nhằm tranh thủ sự hỗ trợ, kêu gọi đầu tư của các nước vào Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và  nước biển dâng.