"Cắt" tối thiểu 30% thủ tục hành chính phải gắn với giảm chi phí xã hội

07:57, 06/12/2009

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để bảo đảm việc triển khai rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) không chỉ đạt được chất lượng, đúng tiến độ mà còn thực sự gỡ bỏ gánh nặng về TTHC đối với người dân và doanh nghiệp.

Văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ

 

Cho ý kiến chỉ đạo về việc triển khai giai đoạn 2 (giai đoạn rà soát) của Đề án 30, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải gắn việc thực hiện chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về TTHC với việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC của cá nhân, tổ chức thông qua việc loại bỏ các TTHC không có mục tiêu rõ ràng, trùng lặp, áp dụng biện pháp thay thế để giảm chi phí thực hiện; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; loại bỏ những yêu cầu, điều kiện, hồ sơ cũng như việc xác nhận vào mẫu đơn, mẫu tờ khai khi không đạt được mục tiêu đặt ra; đơn giản hóa trình tự thực hiện, cách thức giải quyết, các loại hồ sơ, giấy tờ phải nộp theo hướng tối thiểu, nhằm tạo thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức; việc cắt giảm thời gian thực hiện TTHC phải bảo đảm khả thi và gắn với việc đề xuất cắt giảm hồ sơ, quy trình thực hiện và đổi mới cách thức giải quyết.

 

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ cho biết, "đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mang tính chất cốt lõi, quyết định chất lượng và hiệu quả của việc rà soát TTHC. Bởi thực tế hiện nay, một số Bộ, ngành đã kiến nghị sửa đổi một vài nội dung các TTHC nhưng lại chưa gắn với việc cắt giảm chi phí xã hội. Trong khi, nếu chỉ giảm thời gian thực hiện TTHC mà quy trình, hồ sơ không hề giảm thì có thể xem hiệu quả đơn giản hóa TTHC đó không có nhiều ý nghĩa".

 

Lấy ví dụ cụ thể về thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, ông Ngô Hải Phan phân tích, hiện mỗi năm cơ quan chức năng cấp mới khoảng 11.482 chứng chỉ và gia hạn cho khoảng 1.498 chứng chỉ, chi phí tuân thủ TTHC của việc 1 cấp chứng chỉ này là khoảng 200.000 đồng.

 

Theo quy định hiện hành, trước khi giấy chứng chỉ hành nghề hết thời hạn, người có chứng chỉ hành nghề phải tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và văn bản pháp luật mới (từ 1-3 ngày) do Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức để gia hạn chứng chỉ cho 3 năm tiếp theo. Nếu thay thế thủ tục gia hạn này bằng biện pháp yêu cầu người có chứng chỉ định kỳ hàng năm phải tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức thì có thể quy định giấy chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng vô thời hạn.

 

Hơn nữa, mỗi lần làm thủ tục xin gia hạn giấy chứng chỉ hành nghề, cá nhân phải nộp một khoản lệ phí là 200.000 đồng/chứng chỉ, chưa kể phải mất thời gian và công sức để thực hiện thủ tục. Trong khi đó, nếu cho phép chứng chỉ này có giá trị sử dụng vô thời hạn thì sẽ giúp cá nhân tiết kiệm được chi phí, thời gian và công sức, ông Ngô Hải Phan phân tích.

 

"Như vậy, với phương án đơn giản hóa TTHC cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên đây, cộng với việc có thể giảm mức thu lệ phí xuống còn 100.000 đồng/chứng chỉ, mỗi năm chúng ta sẽ tiết kiệm được từ 20 đến hơn 34 tỷ đồng chi phí xã hội. Con số này còn lớn hơn rất nhiều lần nếu chúng ta đơn giản hóa được từ 30% TTHC trở lên như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giúp mang lại ý nghĩa kinh tế-xã hội to lớn đối với quốc gia", ông Phan trao đổi.

 

Không xét thi đua đối với đơn vị chưa hoàn thành chỉ tiêu đơn giản hóa TTHC

 

Nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam

 

Cũng nhằm đạt được chất lượng và hiệu quả rà soát TTHC, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo Tổ công tác thực hiện Đề án 30 không tiếp nhận kết quả và yêu cầu rà soát lại TTHC đối với những đơn vị không đạt chỉ tiêu được giao, rà soát mang tính hình thức hoặc không đạt chất lượng; không xét thi đua năm 2009 và 2010 đối với những đơn vị không đạt chỉ tiêu được giao, rà soát hình thức, đối phó và xử lý nghiêm người đứng đầu các đơn vị này cũng như kỷ luật cán bộ, công chức có hành vi chống đối, không hợp tác trong quá trình tham gia rà soát TTHC.

 

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ phối hợp trong giai đoạn 2009-2011 không đề xuất thi đua, khen thưởng đối với các Bộ, ngành, địa phương không hoàn thành chỉ tiêu đơn giản hóa TTHC hoặc kết quả rà soát TTHC kém chất lượng.

 

Tại Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10/01/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30).

 

Đề án này ngày càng có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, Chính phủ xác định đơn giản hóa các quy định về TTHC chính là một giải pháp quan trọng để chống suy giảm kinh tế, kích thích đầu tư phát triển và góp phần sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

 

3 giai đoạn triển khai của Đề án 30:

 

Giai đoạn 1: Thống kê TTHC mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; yêu cầu hoặc điều kiện để được cấp giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký, chứng chỉ hành nghề, thẻ, phê duyệt, chứng chỉ, văn bản xác nhận, quyết định hành chính, giấy xác nhận, bản cam kết, biển hiệu, bằng, văn bản chấp thuận và các loại khác.

 

Giai đoạn 2: Rà soát TTHC, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, các yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện TTHC.

 

Giai đoạn 3: Thực thi các khuyến nghị đơn giản hóa TTHC, mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, yêu cầu hoặc điều kiện để thực hiện TTHC sau khi đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.