Họ đã sống và chiến đấu như thế

09:36, 10/12/2009

Tháng 1/1966, Đại đội Thanh niên xung phong 913 (C913), thuộc Đội 91, tỉnh Bắc Thái (cũ) được thành lập. Hơn 100 chàng trai, cô gái tuổi đời mười tám, đôi mươi, từ các vùng quê trên mảnh đất chiến khu cách mạng - Thủ đô gió ngàn năm xưa, hội tụ về đơn vị Thanh niên xung phong này. Và, họ đã sống kiên cường, hy sinh anh dũng trong những năm tháng phục vụ chiến đấu bảo vệ miền Bắc - hậu phương lớn của cả nước, giáng trả quyết liệt cuộc chiến tranh leo thang phá hoại tàn khốc bằng không quân của giặc Mỹ xâm lược.

 

Ngay từ những ngày đầu thành lập, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Minh Phúc, đại đội trưởng và các đồng chí Phạm Văn Quýnh, Lương Thị Chiến, đại đội Phó, C913 vừa phục vụ chiến đấu; tăng gia sản xuất; học tập văn hóa đã phải liên tục cơ động làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông; giải phóng hàng hóa ở một số khu vực được coi là trọng điểm đánh phá của máy bay giặc Mỹ trên địa bàn tỉnh Bắc Thái. Ngày 12/6/1967, một tốp máy bay F4H của giặc Mỹ ào đến ném bom xuống trận địa tên lửa phòng không của đơn vị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, sang giúp ta bảo vệ khu công nghiệp Gang thép, đặt tại khu vực xã Hợp Tiến (huyện Đồng Hỷ), gây nhiều thương vong cho bạn và nhân dân địa phương. Lúc này C911 và C913 đang cùng làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên tỉnh lộ 16A, đoạn mỏ sắt Trại Cau - Yên Thế. Ngay lập tức, chỉ huy của hai đại đội Thanh niên xung phong đã cử hàng chục cán bộ, đội viên đến ứng cứu, khắc phục hậu quả. Nhiều đội viên của hai đơn vị đã tình nguyện hiến máu cứu chữa thương binh của bạn và đồng bào địa phương, trong đó C913 có các đội viên Dương Nghĩa Mị; Nguyễn Văn Hòa; Đồng Binh Nhất; Dương Văn Binh… việc làm này được đơn vị bạn đánh giá là "một nghĩa cử nhân văn Quốc tế".

 

Tháng 7/1967, đồng chí Trần Minh Phúc, Đại đội trưởng C913 được điều về Ban Chỉ huy Đội 91 của tỉnh; đồng chí Lương Thị Chiến - Đại đội phó được cử giữ chức Đại đội trưởng. Đến tháng 8/1967, trong một lần di chuyển đi xây dựng Trạm ra - đa tên lửa của Quân đội ở đèo Giàng (Bắc Kạn), đồng chí Chiến và đồng chí Tân, đội viên đã hy sinh. Đồng chí Phạm Văn Quýnh, Đại đội phó được cử giữ chức đại đội trưởng C913.

 

Đầu tháng 7/1972, đồng chí Nguyễn Hằng Được khi đó 30 tuổi quê xã Huống Thượng, huyện Đồng Hỷ, nay là Trưởng Văn phòng luật sư Thắng Lợi, thị trấn Chùa Hang), Đại đội trưởng C911 được điều sang Đại đội trưởng C913 và quân số đơn vị được tăng cường, biên chế lên 9 tiểu đội. C913 được lệnh cơ động về tập kết tại xóm Trại Gai, xã Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ) làm nhiệm vụ chốt giữ bảo đảm giao thông đoạn đường trọng điểm Ngòi Treo - mỏ sát Trại Cau, trên tỉnh lộ 16A (Thái Nguyên - Bắc Giang). Dưới sự chỉ huy và sáng kiến của Đại đội trưởng Nguyễn Hằng Được, đã dùng bè nứa vận chuyển tranh, tre, gỗ, lá… theo suối Hòa Khê (từ xã Văn Hán) về làm lán trại ăn, ở và chỉ huy 3 ngày đã hoàn tất. Đồng thời còn đào đủ hầm, hào trú ẩn kể cả ngoài hiện trường, khu vực đơn vị hoạt động. Vì vậy, khi bị máy bay giặc Mỹ ném bom ác liệt, hạn chế được thương vong.

 

Cuối tháng 11/1972, địch tăng cường đánh phá Hải Phòng, Hà Nội và các tỉnh phụ cận với cường độ cao. Khu vực C913 làm nhiệm vụ trở thành mục tiêu đánh phá của hàng chục lần chiếc máy bay "con ma"- F4H; "cánh cụp cánh xoè"-F111 và "pháo đài bay" - B52 của giặc Mỹ.

 

Ngày 16/12/1972, đại đội 913 đang làm nhiệm vụ trên đoạn đường tỉnh lộ 16A, khu vực có nhiều hầm chứa bồn xăng, dầu và hàng trăm xe ô tô, tăng - thiết giáp tập kết trong các khe núi, rừng rậm gần đó, một tốp máy bay F111 của giặc Mỹ lao đến đánh pha. Nhiều loạt bom rơi trúng hầm chứa bồn xăng dầu, đặt ở làng Phan, xã Linh Sơn (huyện Đồng Hỷ). Ngày 19/12/1972, địch lại đến bắn phá vào đội hình C913, đồng chí Hoàng Thị Cát quê huyện Ba Bể (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn) hy sinh. Ngày 22/12/1972, một tốp F4H lao đến ném bom trúng hầm chứa bồn xăng ở khu vực Ngòi Trẹo, lửa bốc cháy dữ dội và làm sạt lở đường dưới đèo Ngang thuộc xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ. Bất chấp nguy hiểm, cán bộ, đội viên C913 vẫn ngoan cường bám đường làm nhiệm vụ. Quân số tham gia rất cao, với khẩu hiệu "Sống bám đường, chết ngoan cường dũng cảm".

 

Ác liệt nhất, phải kể đến trận đánh phá của máy bay giặc Mỹ vào khoảng 9 giờ sáng ngày 29/12/1972, một tốp máy bay F111 lao đến trút bom dữ dội vào đội hình C913 đang làm nhiệm vụ trên mặt đường. Các đồng chí Nông Thị Đầm; Trần Thị Công; Trần Thị Hồng; Nguyễn Thị Đặng, Nguyễn Thị Phấn hy sinh tại chỗ, trong đó có người mới ở tuổi 16, từng lấy máu của chính mình viết đơn tình nguyện vào đơn vị. Và, các đồng chí Lương Thị Xếp; Đặng Thị Tỵ; Đoàn Thị Sâm; Đỗ Thị Hợp; Nguyễn Thị Thuý… bị thương, được đưa về Bệnh viện tỉnh (sơ tán tại Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ) cứu chữa. Đồng chí Vàng bị dập nát hai tay, đồng chí Đặng bị nhiều vết thương hiểm nghèo đã không qua khỏi… Cả ngày hôm đó, đơn vị ngập trong đau thương, nhưng mọi người đều kìm nén, gồng mình giải quyết hậu quả, tổ chức khâm niệm, mai táng đồng đội; san lấp đường sá, sơ tán an toàn hàng trăm xe ô tô, tăng - thiết giáp đang tập kết ở kho 382 dã chiến… Đến 20 giờ cùng ngày, máy bay ném bom chiến lược B52 của giặc Mỹ lại đến "rải thảm" bom dọc khu vực Mỏ sắt Trại Cau; ga Hợp Tiến, hầm Bảo Ngang; trận địa pháo cao xạ; kho xăng, dầu và xã Nam Hòa - nơi C913 trú quân, lán trại của đơn vị bị bom Mỹ "quét" sạch; đồng chí Cang chỉ huy đơn vị Kho 382 hy sinh.

 

Ra đời, hoạt động và trưởng thành giữa những ngày cả miền Bắc vừa xây dựng, chiến đấu giáng trả cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của giặc Mỹ, C913 đã có nhiều cống hiến to lớn. Nhiều cán bộ, chiến sỹ của đơn vị lao động, phục vụ chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng và hiến dâng một phần xương máu của mình; góp phần tô thêm truyền thống vẻ vang của quê hương Thái Nguyên anh hùng.