Những ý kiến của cử tri gửi tới kỳ họp HĐND tỉnh

14:02, 06/12/2009

Trước kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XI, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp mong được quan tâm, giải quyết. Báo Thái Nguyên điện tử xin trích đăng một vài ý kiến đó.

 

* Quan tâm hỗ trợ điện, nước sinh hoạt cho vùng khó

 

(Ông Hoàng Quang Vinh, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa)

 

Xã Quy Kỳ có 19 xóm, bản thì 1/3 số xóm, bản còn khó khăn về nước tưới cũng như nước phục vụ sinh hoạt. Ví dụ như xóm Bản Noóng, vào mùa mưa còn có đủ nước để dùng, mùa khô bà con thường phải đi gánh nước ở xa và phải dùng thật tiết kiệm bởi nước giếng thường cạn khô. Nước sinh hoạt còn không đủ dùng nên nước tưới cho cây trồng gặp không ít khó khăn. Cả xóm có trên 10ha lúa nhưng đa phần chỉ cấy được một vụ vì toàn bộ trông vào nước trời. Hồ đập trữ nước trên địa bàn hầu như không có hoặc có cũng không đủ phục vụ cả xã. Bởi thế, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước tập trung ở khu vực này giúp bà con vơi bớt khó khăn, có đủ nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu.

 

Ngoài vấn đề nguồn nước, điện sinh hoạt cũng đang được nhiều người dân trong xã đặc biệt quan tâm. Hiện nay, điện lưới Quốc gia đã có mặt ở tất cả các xóm, bản của xã, nhưng một số nơi vẫn còn nhiều hộ dân chưa được dùng điện. Các trường hợp này đều ở quá xa trục chính, sống thưa thớt cách nhau nhiều quả đồi, nên việc kéo điện vào tới tận hộ gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém. Theo quy định những người dùng điện phải tự đầu tư kéo dây từ trục chính vào nhà mình. Điều đáng nói là những hộ dân này thường là những gia đình thuộc diện nghèo, nên không có đủ khả năng đó. Qua đây, tôi cũng đề nghị ngành Điện của tỉnh nghiên cứu có phương án hỗ trợ cụ thể cho những trường hợp trên.

 

* Cần có ưu đãi đối với các doanh nghiệp luyện kim

(Ông Chu Phương Đông, Giám đốc Công ty CP luyện kim đen)

 

Hiện nay, một số doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn Thái Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên là khó khăn về nguyên liệu đầu vào. Hầu hết các doanh nghiệp này hiện giờ mới được cấp mỏ khai thác nguyên liệu chỉ đủ để phục vụ nhà máy chế biến khoảng 4-5 năm, trong khi thời gian hoạt động của các nhà máy (được phép) là khoảng 30-40 năm.

 

Trong quá trình hoạt động, lượng tiêu hao tài chính phục vụ duy trì sản xuất của các nhà máy là rất lớn nên rất cần sự tiếp sức, tạo điều kiện tối đa của các ngân hàng. Vấn đề tiêu hao điện năng cho hoạt động luyện kim của các nhà máy cũng rất lớn, nên rất cần sự linh động của ngành Điện lực trong vấn đề thanh, quyết toán tiền điện. Có thể cho phép doanh nghiệp thanh toán tiền điện một lần/tháng để tránh các thủ tục rườm rà, khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó cũng đề nghị ngành Điện giảm tối đa việc cắt điện đột xuất bởi nếu phải dừng lò luyện các nhà máy sẽ mất hàng tỷ đồng cho việc khởi động lại.

 

Ngoài ra cũng mạnh dạn đề nghị tỉnh xem xét quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến khoáng sản theo vùng nguyên liệu tập trung để thuận tiện cho việc vận chuyển đi lại, tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đường giao thông. Cũng nên tránh trường hợp nhà máy và vùng nguyên liệu ở gần nhau nhưng lại thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp khác nhau.

 

* Cần quan tâm đến di tích lịch sử

( Ông Hoàng Anh Hám, xóm Tân Sơn, xã Đào Xá, Phú Bình)

 

Ngày 2/3/1958, Bác Hồ về xóm Tân Sơn, xã Đào Xá để kiểm tra việc sử dụng và tình hình hoạt động của máy bơm nước do Trung Quốc tặng được lắp đặt tại công trình thuỷ lợi kè Lũ Yên. Cả nước khi đó mới có 2 chiếc máy bơm và đều được lắp đặt tại Thái Nguyên (chiếc còn lại được lắp tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ). Đào Xá là nơi duy nhất của huyện Phú Bình được đón Bác về thăm. Ghi nhớ sự kiện này, năm 2006, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận địa điểm công trình thuỷ lợi kè Lũ Yên là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh. Tuy nhiên, ngoài Quyết định công nhận, Di tích Lịch sử Văn hoá này đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ sự đầu tư nào của các cấp, ngành, ngoài tấm biển chỉ dẫn do UBND xã Đào Xá lắp đặt.

 

Là người dân ở vùng quê vinh dự được Bác về thăm, tôi mong muốn các cấp ngành chức năng dành sự quan tâm, đầu tư xây dựng ở đó một nhà bia để đánh dấu sự kiện này. Đồng thời đề nghị với các bộ, ngành Trung ương công nhận địa điểm này là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, để người dân trong vùng lấy đây là nơi sinh hoạt cộng đồng, cũng là để nhắc nhở, giáo dục con cháu về một danh nhân văn hoá thế giới, một Anh hùng giải phóng dân tộc.