Niềm vui lớn trên một công trình trọng điểm

10:26, 24/12/2009

Trong không khí tưng bừng của cả nước chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, ngày mai (25/12), tại Nhà máy Xi măng Quang Sơn diễn ra sự kiện quan trọng: Công trình mang tầm cỡ quốc gia này chính thức khánh thành. Trước đó ít ngày, những lô sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu Xi măng Quang Sơn với biểu tượng con tê giác đã được xuất xưởng, theo tuyến Quốc lộ 1B, con đường Bắc Sơn - Đình Cả - Thái Nguyên lịch sử năm xưa, tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc... 

 

Chúng tôi có mặt tại Nhà máy Xi măng Quang Sơn đúng vào ngày Nhà máy xuất lô hàng xi măng đầu tiên (14-12). Trong niềm vui chung của đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề ở đây, ông Phạm Văn Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhà máy Xi măng Quang Sơn không quên được những khó khăn, thử thách mà đơn vị đã phải trải qua: Có được thành quả như hôm nay, anh chị em cán bộ, công nhân các đơn vị thi công xây dựng Nhà máy đã phải nỗ lực rất nhiều. Nhà máy khởi công xây dựng từ ngày 22-3-2003, mục tiêu ban đầu của Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (chủ đầu tư Dự án) là sẽ hoàn thành xây dựng và đưa Nhà máy đi vào hoạt động cuối quý I năm 2008. Nhưng vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đặc biệt do bản vẽ thiết kế một số hạng mục của nhà thầu phải hiệu chỉnh nhiều lần; giá cả một số mặt hàng xây dựng tăng đột biến đã gây ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Chính vì vậy, việc hoàn thành Dự án theo kế hoạch ban đầu phải điều chỉnh lại. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng chậm cũng gây chậm tiến độ thực hiện Dự án…

 

Khó khăn là vậy, nhưng nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cùng với sự phối hợp giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh, huyện đến cơ sở nên tiến độ thi công công trình trọng điểm này đã bảo đảm đúng kế hoạch được điều chỉnh. Và đến hôm nay, Nhà máy Xi măng Quang Sơn với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng, có dây chuyền công nghệ hiện đại của Cộng hoà Pháp đã được hoàn thành, đi vào sản xuất ổn định, công suất trên 1,5 triệu tấn/năm.

 

Trước đó, đồng thời với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục, công trình, Nhà máy đã tuyển dụng và đưa đi đào tạo nâng cao trình độ cho 100 kỹ sư và trên 400 công nhân để kịp thời đáp ứng về mặt nhân lực khi Nhà máy đi vào sản xuất. Những nỗ lực ấy đến hôm nay đã đem lại hiệu quả khả quan: Trên một vùng đồi núi ở xóm Đồng Thu, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) hôm nay, sừng sững mọc lên một nhà máy xi măng với công nghệ lò quay thuộc diện tiên tiến và hiện đại nhất cả nước hiện nay. Và, từ bây giờ, trên quê hương Thái Nguyên - vùng đất cách mạng, Thủ đô kháng chiến năm xưa - đã có thêm một nhà máy xi măng công suất lớn với sản phẩm chất lượng cao. Không chỉ làm ra một lượng lớn xi măng góp phần ổn định thị trường sản phẩm này ở trong nước mà hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy sẽ có những đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương…

 

Nhà máy Xi măng Quang Sơn được xác định là một trong những công trình trọng điểm của quốc gia, của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2005-2010. Chính vì vậy, quá trình thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương và của tỉnh. Chúng tôi còn nhớ, năm 2002, khi đang làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, đồng chí Hồ Đức Việt (hiện nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) đã trực tiếp cùng với lãnh đạo Bộ Công nghiệp (cũ) và Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam đi xem xét, chọn lựa địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy. Đến ngày 22/3/2003, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ) và lãnh đạo Bộ Công nghiệp (cũ) đã lên phát lệnh khởi công công trình. Tiếp đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần lên thăm, kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy, chỉ đạo kịp thời việc khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh cũng như có nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để Dự án được thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng…

 

Gần đây nhất, ngày 24/6/2009, nhân Hội nghị tiếp xúc cử tri thông báo kết quả làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã đến thăm và làm việc với cán bộ, công nhân viên của Nhà máy Xi măng Quang Sơn. Sau khi tham quan một số hạng mục quan trọng của Nhà máy, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh rất vui mừng, phấn khởi và tự hào thấy một doanh nghiệp trong nước đã có đủ khả năng vừa là chủ đầu tư, vừa tham gia xây lắp hầu hết các hạng mục chính, đồng thời còn tham gia chế tạo các thiết bị trong dây chuyền sản xuất của Nhà máy. Đặc biệt, tại Nhà máy có nhiều thiết bị, hạng mục quan trọng cho một dự án xi măng tại Việt Nam lần đầu tiên được chế tạo trong nước và đã đưa vào sử dụng, như kho tròn có đường kính lớn nhất (trên 104m), máy nghiền kép Horomill tiết kiệm điện khoảng 10 kWh/tấn xi măng (so với các loại máy nghiền khác có cùng công suất 240 tấn/giờ)… Chứng kiến Nhà máy Xi măng Quang Sơn đang bắt đầu đi vào vận hành, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cho biết ý tưởng cần thiết phải xây dựng một nhà máy xi măng hiện đại tại khu vực này đã hình thành từ khi Tổng Bí thư còn đương nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Thái. Sau hơn 20 năm, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, đến nay, điều mà Tổng Bí thư mong mỏi đã trở thành hiện thực. Tổng Bí thư rất xúc động khi bày tỏ những cảm xúc của mình về thành quả có được ngày hôm nay trên mảnh đất Quang Sơn: Tôi thực sự vui mừng khi tại tỉnh Thái Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc nay đã có một Nhà máy Xi măng lò quay, có kỹ thuật hiện đại như Xi măng Quang Sơn. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống đồng bào tại địa phương… Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng đã chỉ đạo và nhắc nhở lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam cùng tập thể cán bộ, công nhân viên Nhà máy Xi măng Quang Sơn cần vận hành dây chuyền sản xuất xi măng một cách có hiệu quả nhất, đạt công suất thiết kế, đồng thời nhanh chóng làm chủ công nghệ và phấn đấu rút ngắn thời gian thu hồi vốn sớm hơn so với kế hoạch đã đặt ra là 10 năm 2 tháng. Tổng Bí thư cũng lưu ý Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh phụ trợ, tận dụng các nguyên phụ liệu dư thừa của xi măng (như: sản xuất gạch bê tông, đá xây dựng…). Qua đó góp phần thúc đẩy các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai thực sự trở thành một khu vực công nghiệp, có đóng góp lớn vào ngân sách địa phương...

 

Trước khi chia tay chúng tôi để xuống các phân xưởng sản xuất, ông Phạm Văn Hạnh đã khẳng định: Những ý kiến chỉ đạo, nhắc nhở của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là vấn đề đơn vị đang rất quan tâm để lựa chọn phương án triển khai thực hiện. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Xi măng Quang Sơn sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần đáng kể vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nói chúng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên một vùng đất chiến khu xưa nói riêng. Vâng, chúng tôi tin là như vậy…