Những năm qua, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đạt được những kết quả nhất định.
Đặc biệt, kể từ khi Nhà nước ban hành luật “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, luật “Phòng, chống tham nhũng”; Trung ương Đảng ra Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn lại được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn.
Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch quán triệt, nghiên cứu và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 08 tháng 11 năm 2006 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động cụ thể, tập trung vào các lĩnh vực như: Kiểm tra, rà soát, bổ xung và sửa đổi các văn bản về cơ chế, chính sách của tỉnh, chú trọng lĩnh vực đầu tư và xây dựng cơ bản; xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng cơ chế quản lý cán bộ, công chức; xây dựng và bổ xung các quy định về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước; hoàn thiện đề án tiếp công dân và giải quyêt khiếu nại, tố cáo; kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Xác định phòng ngừa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm Trưởng Ban. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được chỉ đạo triển khai đồng bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Sau gần một năm chỉ đạo thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành 55 văn bản quy phạm pháp luật quy định về cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tích cực rà soát, bổ sung, ban hành và triển khai thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Đã có 133 văn bản có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí được xây dựng mới, trong đó cấp huyện và tương đương là 65 văn bản, cấp cơ sở là 68 văn bản. Đến nay, hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được triển khai, đã có 290 đơn vị thực hiện với 11.151 cán bộ mở tài khoản thanh toán qua thẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức tại một số lĩnh vực chuyên môn liên quan đến quản lý đất đai, thu thuế, đầu tư xây dựng cơ bản, tổ chức cán bộ, tài chính, kiểm lâm. Một số ngành hiện nay đang tiếp tục triển khai. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo được triển khai theo đúng quy định; công tác tuyển dụng cán bộ được thực hiện nghiêm túc trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh. Cán bộ, đảng viên có hành vi vi phạm được xử lý nghiêm minh.
Xác định năm 2008 là năm “Cải cách hành chính, thu hút đầu tư”, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” trong giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án cải cách thủ tục hành chính cho 11 cơ quan; ban hành quyết định về việc thực hiện chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cấp trên địa bàn tỉnh; thực hiện cơ chế một cửa liên thông để thu hút đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm thường trực. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động xây dựng quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện.
Cơ chế tự chủ về tài chính đã được triển khai trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Các đơn vị đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thực hiện công khai tài chính, mua sắm tài sản công,...; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về tiết kiệm 10% kinh phí chi thường xuyên, góp phần kiềm chế lạm phát.
Công tác Thanh tra của tỉnh tập trung vào một số lĩnh vực như: Quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách, thuế; việc chấp hành chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các chương trình thanh tra đột xuất theo đơn thư tố cáo của công dân đối với các tập thể, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng được quan tâm chỉ đạo. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý và bảo vệ rừng được chấn chỉnh. Công tác đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại; vận chuyển, buôn bán trái phép khoáng sản, lâm sản trên địa bàn được tăng cường.
Trong xu thế hội nhập và phát triển chung, nạn tham nhũng luôn đồng hành là tất yếu, trở thành một trong những nguy cơ, thách thức lớn nhất của toàn xã hội, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực vượt qua. Để công tác Phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, rất cần sự đồng tâm hiệp lực của tất cả các ngành, các cấp, sự vào cuộc của mọi tầng lớp nhân dân.
Một mùa xuân mới lại đến, tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chúng ta hãy thống nhất trong cả nhận thức và hành động; nghiên cứu học tập chuyên đề “Tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” gắn với tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Người. Cùng với sự lãnh đạo, điều hành năng động sáng tạo, hiệu quả của Ban chỉ đạo tỉnh và Ban chỉ đạo các cấp, chắc chắn công tác phòng, chống tham nhũng của Thái Nguyên thời gian tới sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong sự nghiệp đổi mới.