Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi

07:55, 18/12/2009

Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách đã được triển khai trên địa bàn các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thái Nguyên: Chương trình 135 với tổng số v ốn gần 500 tỷ đồng đã xây dựng 11 trung tâm cụm xã, 626 công trình hạ tầng là đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt…

 

Từ ngàn năm xưa, mảnh đất Thái Nguyên đã có một ví trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là từ thời nhà Lý định đô ở Thăng Long, Thái Nguyên đã trở thành phên dậu trực tiếp che chở phía Bắc kinh thành.

 

Xứng đáng với vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, con người Thái Nguyên từ xưa vốn giàu lòng yêu nước. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã cùng nhân dân cả nước lập nhiều chiến công hiển hách, viết nên những trang sử vàng của dân tộc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thái Nguyên đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm vùng xây dựng An toàn khu kháng chiến, mà trung tâm được đặt tại huyện Định Hoá, một địa bàn quan trọng với lợi thế "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ". Đây là nơi ra đời nhiều quyết định quan trọng của Trung ương Đảng nhằm đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, mà đỉnh cao là quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

 

Do có những cống hiến to lớn và thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh cùng 7 huyện, 54 xã, phường, thị trấn, 1 nhà máy và 3 cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 2 cá nhân là người dân tộc thiểu số. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những cống hiến to lớn của quân và dân Thái Nguyên đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 16 tập thể, 7 cá nhân; tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động cho 3 cá nhân (trong đó có 2 cá nhân là người dân tộc thiểu số), công nhận 134 bà mẹ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (trong đó có 14 Bà mẹ là người dân tộc thiểu số)…

 

Với vị trí quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế, Thái Nguyên đã từng là thủ phủ của Khu tự trị Việt Bắc, ngày nay tiếp tục được Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Tỉnh Thái Nguyên hiện có diện tích tự nhiên hơn 3.541km2, dân số tính đến tháng 4-2009 là gần 1,2 triệu người, gồm 8 dân tộc chủ yếu là: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay, Mông, Hoa. Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 25% dân số, tập trung chủ yếu ở địa bàn miền núi, vùng cao của các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ. Trong những năm qua, đặc biệt là từ  tháng 3-2003, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa IX) đã có Nghị quyết vế công tác dân tộc, tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng ta coi vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam, trong đó đã chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể trước mắt.

 

Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách đã được triển khai trên địa bàn các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh ta, cụ thể như: Chương trình 135: với tổng số vốn gần 500 tỷ đồng đã xây dựng 11 trung tâm cụm xã, 626 công trình hạ tầng là đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, chợ và nhà văn hóa ở xã và các xóm, bản miền núi, vùng cao của tỉnh; tổ chức nhiều lớp đào tạo, dạy nghề, các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng; hỗ trợ nhiều giống cây trồng, vật nuôi, máy công cụ sản xuất và chế biến nông sản. Chương trình 134: với số vốn gần 85 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 4.200 hộ dân tộc thiểu số nghèo làm nhà ở, 3.867 hộ đào giếng, xây bể, tạo nguồn nước sinh hoạt; đầu tư 80 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho hơn 7.400 hộ ở 113 xóm; hỗ trợ, giúp đỡ cho hơn 250 hộ có đất ở để làm nhà; hỗ trợ bằng các hình thức cho hơn 2.000 hộ thiếu đất sản xuất để có thêm vốn sản xuất, có thêm việc làm, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

 

Về chính sách trợ giá, trợ cước: với tổng kinh phí từ năm 2000 đến 2009 là 78 tỷ đồng, đã trợ giá cho hơn 5.000 tấn giống cây lương thực; trợ giá, trợ cước vận chuyển gần 235.000 tấn muối nguyên liệu và muối i ốt; trợ cước vận chuyển hơn 205.000 tấn phân bón, 8.500 tấn dầu hoả thắp sáng; cùng với trợ cước vận chuyển giống thủy sản, tiêu thụ nông sản, cấp không thu tiền thuốc chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc. Về chương trình định canh, định cư: với tổng vốn đầu tư hơn 44 tỷ đồng, đã vận động được 3.400 hộ, 20.500 nhân khẩu thực hiện định canh, định cư, ổn định nơi ở và sản xuất.

 

Bên cạnh đó, Nhà nước còn hỗ trợ cho hơn 2.400 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn về sản xuất và đời sống; cho vay vốn để sản xuất không tính lãi với tổng kinh phí thực hiện từ năm 2007 đến năm 2009 là 7.948 triệu đồng cho hơn 1.600 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội đã được Đảng, Nhà nước quan tâm mở các trường dân tộc nội trú, xét cử tuyển hàng trăm học sinh vào các trường đại học và cao đẳng; cấp gần 700 nghìn thẻ bảo hiểm tế cho người nghèo, gần 330 nghìn thẻ cho nhân dân ở các xã hưởng Chương trình 135 và thực hiện khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 1 triệu lượt người với kinh phí Nhà nước chi hơn 73 tỷ đồng. Bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc được quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát triển…

 

Trên cơ sở phương hướng xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc Bộ, có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và đồng bộ; có nền văn hóa lành mạnh và đậm đà bản sắc dân tộc; quốc phòng - an ninh vững mạnh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, công tác dân tộc của tỉnh đến năm 2020 phấn đấu thực hiện các mục tiêu chủ yếu như: Đẩy nhanh các biện pháp phát triển sản xuất, tăng thu nhập bình quân đầu người ở các xã miền núi ngang bằng với mức bình quân chung trong vùng; phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo ở khu vực các xã miền núi, vùng cao mỗi năm khoảng 4% theo chuẩn nghèo hiện nay; giải quyết cơ bản tình trạng nhà tạm, nhà dột nát, tình trạng nông dân không có hoặc thiếu đất sản xuất bằng các giải pháp phù hợp. Phát triển cơ bản đồng bộ về cơ sở hạ tầng, phấn đấu 100% xã đều có đường nhựa đến trung tâm xã; 100% xóm, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, có điện lưới đến trung tâm và 90% trở lên các hộ được sử dụng điện và nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có đủ trường, lớp học kiên cố cho các lớp tiểu học và trung học cơ sở, có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Người dân thường xuyên được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất và được giúp đỡ, trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu…

 

Để hoàn thành tốt các mục tiêu trên đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả trong thời gian tới, cùng với đó là sự cố gắng tự lực vươn lên trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2010 là năm cuối thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2006-2010) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010), là năm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.

 

Chủ đề năm 2010 của tỉnh Thái Nguyên là: “Tập trung phát triển kinh tế công nghiệp và làng nghề. Xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ là khâu đột phá. Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII”.

 

Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2010 có ý nghĩa rất quan trọng, đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2011-2015. Trong các nhiệm vụ chủ yếu của năm tới, công tác dân tộc và vấn đề tiếp tục ưu tiên đầu tư trên nhiều lĩnh vực để ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đặt ra hết sức cấp thiết. Thực hiện tốt các mặt công tác này góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra…