Ý kiến cử tri gửi tới kỳ họp HĐND tỉnh

08:05, 08/12/2009

* Nên sớm có kết luận cho trường hợp bị nhiễm chất độc da cam   (Ông Tống Huy Liệu, tổ 32, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên)   Năm 1970, tôi nhập ngũ và đóng quân tại chiến trường Tây Nguyên. Năm 1977, tôi ra quân và làm ở Sở Lâm nghiệp Bắc Thái. Năm 1992 tôi nghỉ mất sức lao động.

 

Theo Nghị định 54 ngày 26 - 6 - 2006 của Chính phủ về điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi thì những trường hợp: Đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8- 1961 đến 30-4-1975 tại các vùng quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hoá học... và tại mục 7 trong Thông tư số 07 ngày 26 - 7 - 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì hồ sơ của những nhóm đối tượng người kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nếu đủ 1 trong các giấy tờ sau: Hồ sơ lý lịch; quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy XYZ; xác nhận hoạt động ở chiến trường; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; Huân chương, Huy chương Chiến sỹ Giải phóng; giấy mất sức lao động hoặc các giấy chứng nhận khác thì đủ điều kiện để hưởng chế độ chất độc da cam.

 

Như vậy tôi đã đủ điều kiện được hưởng chế độnày nhưng đến thời điểm ngày 24-11-2009 tôi cùng với 239 trường hợp của phường Quang Trung (trong đó có một số trường hợp đã khám và một số trường hợp đã đủ điều kiện được hưởng chế độ) chưa nhận được kết luận được hưởng hay không được hưởng chế độ chất dộc da cam. Tôi cùng với nhiều người đã đến hỏi tại bộ phận chính sách xã hội của phường Quang Trung nhưng chỉ nhận được câu trả lời của cán bộ chính sách là "không biết", "trên bảo hoãn". Không biết chúng tôi phải chờ đợi đến bao giờ? Chúng tôi đề nghị Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời rõ bằng văn bản về cho phường để phường trả lời cho chúng tôi biết vì sao những người đã khám và những người đã đủ điều kiện được hưởng chế độ chất độc da cam mà lại chưa có kết luận?

 

* Sớm khắc phục tình trạng xả khói, bụi trực tiếp ra môi trường

 

(Ông Võ Kim Hiểu, tổ 5, phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên)

 

Năm 1976, Xưởng Thực nghiệm Hoàn Nguyên được chuyển sang Luyện Kim đen và Luyện kim màu nay là Xí nghiệp Luyện kim màu 2 thuộc Công ty TNHH Một thành viên Luyện kim màu. Hàng ngày Xí nghiệp này thải ra một lượng khói, bụi quá lớn. Thời gian người dân chúng tôi phải chịu cảnh ngửi khói và hít bụi Xí nghiệp thải ra đã qua lâu. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân sống cạnh Xí nghiệp rất mất thời gian, công sức cho việc lau chùi đồ đạc, quét dọn sân nhà. Những nhà có cửa kính còn đỡ bụi  nhiều gia đình không có cửa kính như gia đình tôi thì lượng bụi vào nhà nhiều gấp đôi, gấp ba. Trung bình, một tuần gia đình tôi phải giặt chăn, màn một lần. Khi giặt, nhìn vào thau nước mà tôi "rùng mình" bởi màu đen ngòm của nó. Cây cối ngoài vườn thì không thể đơm hoa kết trái vì khói bụi bao trùm. Bãi rau xanh cũng biến thành rau đen. Mỗi lần hái rau, gia đình tôi phải ngâm trong chậu nước gần nửa tiếng đồng hồ để lớp bụi bở ra, sau đó phải rửa từng lá một mới dùng được. Theo chúng tôi được biết thì Xí nghiệp này xả ra hai loại bụi đó là bụi than và bụi kẽm. Bụi kẽm sẽ có chì nên mức độ nguy hiểm rất cao vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến phổi và máu. Đã rất nhiều lần chúng tôi có ý kiến với phường, phường cùng đã có ý kiến với Xí nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa thấy Xí nghiệp có biện pháp gì để giảm lượng khói, bụi. Người dân chúng tôi biết, không thể di chuyển Xí nghiệp đi nơi khác nên chúng tôi đề nghị Xí nghiệp lắp đặt hệ thống xử lý khói, bụi để khắc phục tình trạng xả khói, bụi trực tiếp ra môi trường bên ngoài.

 

*Cần đánh giá hộ nghèo chính xác

 

(Đồng chí Trần Gia Cát, Bí thư Đảng uỷ xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ)

 

Đảng và Nhà nước đã và đang rất quan tâm tới công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, để thực hiện tốt công tác này, trước hết chúng ta phải đánh giá hộ nghèo chuẩn xác, theo đúng tiêu chí. Hiện nay, việc bình xét hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là do cấp xóm thực hiện nên dẫn đến kết quả bình xét chưa thật sự chuẩn xác, nhiều hộ khó khăn thật sự thì không được nằm trong danh sách hộ nghèo, trong khi có những hộ đời sống kinh tế khá hơn lại được công nhận hộ nghèo.

 

Nguyên nhân là do những người được giao làm công tác bình xét hộ nghèo ở cấp xóm còn nể nang hoặc có quan hệ gia đình, dòng họ với những người được bình xét. Hơn nữa, việc bình xét hộ nghèo theo xóm cũng dẫn đến tình trạng có nơi làm rất chặt chẽ nhưng có nơi lại làm rất qua loa, đại khái nên hộ nghèo của xóm, xã này có đời sống ngang bằng với hộ trung bình ở xóm, xã khác. Bởi vậy theo tôi, các cấp, ngành chức năng cần xây dựng một đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu thực hiện công việc này mới mong đảm bảo được tính công bằng. Theo đó, các địa phương cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu và bình xét hộ nghèo một cách chính xác, tránh mang tính chất cục bộ hoặc cảm tính. Khi bình xét hộ nghèo chuẩn xác, chúng ta sẽ đi tìm nguyên nhân nghèo của từng hộ để giúp đỡ bà con có trọng tâm, trọng điểm. Cụ thể, hộ thiếu vốn, chúng ta hỗ trợ bà con về vốn; hộ thiếu kỹ thuật, địa phương sẽ tạo điều kiện cho người dân được tham gia các lớp tập huấn, được thực hành trên đồng ruộng; hộ nào gặp tai nạn, rủi ro, địa phương tìm hiểu để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn... Có như vậy, công tác giảm nghèo mới thật sự bền vững.