Hội nghị Cấp cao ASEAN 16: Phối hợp hành động để hiện thực hoá Cộng đồng ASEAN

07:43, 09/04/2010

Sau hơn 4 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đó là hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.

 

Chiều 8/4, Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 16, Hội nghị Cấp cao đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2010 của Việt Nam, đã khai mạc tại Hà Nội.

 

Hội nghị có nhiệm vụ quan trọng là đề ra phương hướng và các giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến trình liên kết ASEAN và tăng cường sức mạnh của ASEAN trong việc xử lý có hiệu quả các vấn đề đặt ra ở khu vực cũng như những thách thức toàn cầu.

 

Sau hơn 4 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đó là hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Mục tiêu này thể hiện tầm nhìn xa, nguyện vọng tha thiết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước thành viên ASEAN.

 

5 đề nghị của chủ nhà

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, điều quan trọng hàng đầu hiện nay là phải có quyết tâm cao và phối hợp hành động mạnh mẽ hơn, tiến hành các biện pháp và bước đi cụ thể, kết hợp hài hoà lợi ích quốc gia và lợi ích chung của cả khu vực, nâng cao chất lượng của sự “thống nhất trong đa dạng” của Hiệp hội, để hiện thực hoá mục tiêu và lộ trình như kế hoạch đã đề ra.

 

Thủ tướng đề nghị, tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung xem xét 5 vấn đề quan trọng.

 

Thứ nhất, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ASEAN cần hoàn tất các văn kiện pháp lý liên quan, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của bộ máy tổ chức và phương thức hoạt động mới của Hiệp hội. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng cần đưa ra những ý kiến chỉ đạo cần thiết về biện pháp và cách thức cụ thể để đẩy nhanh việc thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận về xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó cần coi trọng việc tăng cường “văn hóa thực thi”, sự phối kết hợp giữa các cơ quan thực hiện và huy động nguồn lực.   

 

Thứ hai, nhằm bảo đảm phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, Thủ tướng đề nghị ASEAN nên hành động đồng thời theo cả 3 hướng: đẩy nhanh liên kết kinh tế ASEAN và tìm ra mô hình phát triển bền vững phù hợp; tăng cường hợp tác kinh tế - tài chính Đông Á trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm; tích cực đóng góp vào sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế thông qua việc thúc đẩy các giải pháp toàn cầu.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ASEAN cũng cần xác định cho mình một mô hình phù hợp nhằm bảo đảm phát triển bền vững và cân bằng, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ xem xét và thông qua một Tuyên bố chung về phục hồi và phát triển bền vững, để thể hiện cam kết và phương hướng hành động của ASEAN.

 

Vấn đề thứ ba được Thủ tướng Việt Nam nêu ra là ứng phó với các vấn đề xuyên quốc gia, nhất là biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai và dịch bệnh. “ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực ở cả cấp độ quốc gia và khu vực để ứng phó với các thách thức này, đồng thời tích cực đóng góp cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Dự kiến, lãnh đạo Hiệp hội sẽ xem xét và thông qua một Tuyên bố chung về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát đi thông điệp mạnh mẽ của ASEAN về tiến trình đàm phán quốc tế và về phương hướng gia tăng hợp tác trong ASEAN.   

 

Thứ tư, ASEAN cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là nhân tố quan trọng thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh để nâng cao hiểu biết và tin cậy giữa các quốc gia; đẩy mạnh việc xây dựng các chuẩn mực và quy tắc ứng xử chung trong quan hệ giữa các nước;  tiếp tục phát huy tác dụng và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các công cụ và cơ chế hiện có để đảm bảo hòa bình và an ninh khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)…

 

Cuối cùng, bên cạnh nỗ lực đẩy nhanh liên kết nội khối, ASEAN cần tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại, nhằm hỗ trợ mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN.

 

Theo đó, ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác với các bên đối thoại thông qua các khuôn khổ ASEAN+1 theo hướng thực chất và hiệu quả hơn, nhất là trong việc thực hiện các Chương trình hành động triển khai các Tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện và lâu dài; đồng thời tăng cường đối thoại ở các cấp, nhất là ở Cấp cao và cấp Bộ trưởng.  

 

Kết thúc bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong suốt 15 năm gắn bó chân thành với ASEAN, Việt Nam đã hội nhập nhanh chóng, trưởng thành và phát triển, đóng góp tích cực cho sự lớn mạnh không ngừng của Hiệp hội.

 

“Chúng tôi luôn xác định Việt Nam là một bộ phận không tách rời của đại gia đình ASEAN và luôn chủ trương tham gia hợp tác ASEAN với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, góp phần xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ và ngày càng vững mạnh hơn,” Thủ tướng nói.

 

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam cam kết nỗ lực hết mình, phối hợp cùng các nước thành viên để đạt được những kết quả cụ thể trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng như xử lý thỏa đáng những vấn đề mới nảy sinh.