Nơi lưu dấu lịch sử

11:24, 16/04/2010

Trong chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam những ngày đầu tháng 4 này, chúng tôi có dịp đến thăm Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ) ở T.P Hồ Chí Minh.

 

Mang ý nghĩa của cả một thời đại, chứng kiến những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử Việt Nam, Dinh Độc Lập lập không những thu hút khách tham quan về giá trị lịch sử mà còn về cảnh quan, kiến trúc. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi đến đây là thảm cỏ xanh rì nằm chính diện trước mặt Dinh, trải rộng xung quanh đài phun nước to và hoành tráng. Theo sự hướng dẫn của thuyết minh viên, chúng tôi được tham quan phòng họp nội các, phòng làm việc của tổng thống nguỵ, phòng tiếp khách nước ngoài, phòng tiếp khách trong nước, phòng giải trí, xem phim, phòng tiếp khách của phu nhân tổng thống nguỵ… Nghe thuyết minh viên giải thích về nguồn gốc và ý nghĩa của những vật dụng, cách bài trí trong Dinh, chúng tôi hiểu thêm được nhiều điều bổ ích về một nơi lưu dấu lịch sử này.

 

Ngược dòng thời gian. Năm 1868, Thống đốc Pháp tại miền Nam lúc đó là Lagrandière đã đặt viên đá đầu tiên trên khoảng đất rộng 12ha tại trung tâm Sài Gòn để xây dựng Dinh Toàn quyền Đông Dương, đặt tên là Dinh Norodom. Sau Hiệp định Genève, Dinh Norodom được bàn giao cho Ngô Đình Diệm và ông này quyết định đổi tên thành Dinh Độc Lập. Tháng 10/1955, bằng cuộc trưng cầu dân ý, Ngô Đình Diệm truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, tự phong là tổng thống Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Trong thời gian nắm quyền, Ngô Đình Diệm duy trì chế độ độc tài gia đình trị, thực hiện nhiều chính sách tàn bạo như Luật 10-59 tạo mâu thuẫn gay gắt ngay trong nội bộ chính quyền Sài Gòn và phản kháng trong nhân dân. Ngày 27/2/1962, phe đảo chính cử 2 phi công trong quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập phần cánh trái Dinh Độc Lập. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu may mắn thoát chết nhưng dinh thự bị hư hỏng nặng nề không thể khôi phục lại. Do đó Ngô Đình Diệm đã phải cho xây một dinh thự mới to lớn hơn, kiên cố hơn ngay trên nền đất cũ nhưng vẫn giữ tên gọi Dinh Độc Lập. Dinh Độc Lập mới do Ngô Đình Diệm cho xây dựng khởi công vào ngày 1/7/1962, khánh thành ngày 31/10/1966 theo bản đề án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.

 

Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500m², gồm 3 tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng, một tầng nền và tầng hầm. Dinh Độc Lập được coi là một công trình có sự kết hợp hài hòa giữa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và hiện đại. Rồi cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dẫn đến cái chết của anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã xảy ra vào rạng sáng ngày 2/11/1963 dẫn đến việc các phe phái của VNCH thanh trừng lẫn nhau. Tháng 10/1967, Nguyễn Văn Thiệu trúng cử Tổng thống VNCH. Ngay sau đó Thiệu đã đưa gia đình vào sống tại Dinh Độc Lập cho đến ngày 21/4/1975 thì ông ta tuyên bố từ chức rồi bỏ chạy ra nước ngoài.

 

Trước đó, vào ngày 8/4/1975, khi nhận lệnh bay ra ném bom vùng giải phóng, phi công Nguyễn Thành Trung của quân đội VNCH đã lái chiếc máy bay PH5E ném bom Dinh Độc Lập. Được biết, trong lần ném bom nay, phi công Nguyễn Thành Trung đã bổ nhào cắt 4 quả bom MK-82 (trong đó có 2 quả trúng đích). Sau đó ông đã dùng súng 20 ly bắn vào Kho xăng Nhà Bè rồi đáp xuống sân bay dã chiến Phước Long trong sự vui mừng tiếp đón của đồng đội, đồng chí… Sau vụ ném bom ấy, tinh thần ngụy quân, ngụy quyền suy sụp hẳn vì ngay cả cơ quan đầu não của chúng cũng đã bị tấn công. Và, có một điều không ít người còn chưa biết: Trung úy Nguyễn Thành Trung là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong hàng ngũ không quân địch. Ông Trung tên thật là Đinh Khắc Chung, quê ở Bến Tre, là con một đồng chí Huyện ủy viên đã hy sinh trong một cuộc chiến đấu. Trong đợt Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, khi các quân đoàn Quân giải phóng đang áp sát quanh Sài Gòn, Nguyễn Thành Trung đã nhận được lệnh của ta là chủ động xuất kích từ sân bay địch, ném bom xuống Dinh Độc Lập, cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn…

 

Trong những ngày tháng tư lịch sử này, có rất đông du khách trong và ngoài nước đến Dinh Độc Lập tham quan. Nhiều du khách dừng lại tại phòng họp nội các, chăm chú nhìn các hiện vật và chụp ảnh lưu niệm. Tại đây, tối 21/4/1975, trước sức tiến công như vũ bão của Quân giải phóng, tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức rồi bỏ chạy ra nước ngoài. Phó tổng thống Trần Văn Hương (lúc đó đã 71 tuổi) lên thay nhưng không xoay chuyển được tình thế nên cũng từ chức sau một tuần. Ngày 28/4/1975, tướng về hưu Dương Văn Minh trở thành tổng thống cuối cùng của chế độ VNCH, nắm quyền trong vòng 48 giờ cho đến trưa ngày 30-4 thì bị Quân giải phóng bắt cùng với toàn bộ nội các của chính quyền VNCH…

 

Trưa 30/4/1975, giờ phút quân ta chiếm Dinh Độc Lập cũng là giờ phút kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Dinh Độc Lập đã trở thành điểm hội tụ của chiến thắng. Tháng 11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc đã diễn ra tại đây. Với những ý nghĩa lịch sử trọng đại đó, năm 1976 Dinh Độc Lập đã được Nhà nước đặc cách công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Dinh Độc Lập.

 

35 mùa xuân đã qua. Ngày nay, Hội trường Thống Nhất là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Văn phòng Chính phủ và có nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, tôn tạo “Di tích lịch sử Dinh Độc Lập”; tổ chức phục vụ tham quan, nghiên cứu cho khách trong và ngoài nước. Được biết, từ năm 2005 đến 2009 đã có trên 3,2 triệu lượt du khách trong ngoài nước tham quan Hội trường Thống Nhất. Đến đây, ai cũng muốn hiểu kỹ về “thành trì” cuối cùng của chính quyền nguỵ Sài Gòn bị Quân giải phóng quy phục vào ngày 30/4/1975…