Trường học lớn của những người cộng sản

08:03, 28/04/2010

Giữa những ngày tháng 4, chúng tôi được đến Côn Đảo - một địa danh đã đi vào lịch sử hào hùng dân tộc. Qua 113 năm (1862-1975) kể từ khi Côn Đảo bị thực dân Pháp, rồi đến đế quốc Mỹ khai thác xây dựng nhà tù, nơi đây đã in dấu tội ác của thực dân, đế quốc và cũng là trường học lớn của những người cộng sản…

 

“Địa ngục trần gian”

 

Theo cô hướng dẫn viên Phạm Thị Mỹ Xuyên, người con gái được sinh ra và lớn lên trên đất Côn Đảo hiện đang công tác tại Ban Quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo, chúng tôi đi thăm một số địa danh và được hiểu rõ hơn về mảnh đất này trong những năm đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, hiểu rõ hơn về tội ác mà thực dân, đế quốc đã gây ra đối với các chiến sỹ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước. Cánh cửa thép nhà tù được mở ra, tiếng kêu như xé vào lòng người, chúng tôi rợn mình khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng các chiến sỹ cộng sản, người Việt Nam yêu nước bị thực dân, đế quốc giam cầm, tra tấn. Có lẽ, chuồng cọp là nơi giam cầm và tra tấn tù nhân dã man và tàn bạo nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo.

 

Tại đây, hàng vạn tù nhân đã bị hành hạ khổ sai, nhiều chiến sỹ cách mạng, người yêu nước đã sy sinh vì nhục hình. Những đòn tra tấn dã man, tàn bạo đối với các tù nhân ở khu chuồng cọp tưởng như không thể xảy ra trong trong thế giới văn minh, nhưng đã xảy ra, kinh hoàng. Người nào bị đưa vào chuồng cọp thì xem như cái chết đã cận kề. Tù nhân vào đây khoảng ba tháng thường sẽ chết vì bị xiềng chân, bị tra tấn, bị bỏ đói. Chúng dùng gậy chọc thẳng vào người tù nhân, rồi rắc vôi bột xuống, vài ngày sau vết thương bị sưng tấy, lở loét nhiễm trùng đến chết. Hơn thế, chúng còn dựng lên những phòng tắm nắng (không mái che) để hành hạ, tra tấn người tù. Tù nhân bị nằm trong phòng phơi nắng, bỏ đói cả ngày, rồi bị bốn cai ngục thẳng tay đánh đập (tra tấn tứ trụ).

 

Khổ nhất là những nữ tù nhân, chúng nhốt 5 người vào một chuồng bề ngang rộng 1,45m, dài 2,5m. Ăn, ngủ, tiểu tiện chung một chỗ. Chị em phải thay phiên nhau kẻ ngồi, người nằm. Đêm ngủ cũng phải thay phiên nhau kẻ thức, người ngủ, phải thường xuyên nằm chồng lên nhau. Cơm ăn nấu lõng bõng với mắm thối, ròi bọ và khô mục đắng nghét. Bát đũa để trong thùng đất cát bụi bặm, cho bầy chó liếm đi liếm lại rồi sới cơm cho tù nhân ăn. Nước tắm cũng phải dùng lại đến ba bốn lần: Nước “nhất” tắm trên đầu, nước “nhì” tay chân, cho đến nước “chót” thì đã đen ngòm. Để duy trì sự sống để đấu tranh, các tù nhân phải bắt mối cánh, thằn lằn bò trên vách đá ăn cho có chất đạm… Nơi đây – Nhà tù Côn Đảo, chuồng cọp, chuồng bò… đã trở thành “địa ngục trần gian”!

 

Mổ bụng đấu tranh

 

Bị tra tấn tù đầy, nhưng các chiến sĩ vẫn kiên trung đấu tranh nơi đại ngục này.  Đã có những cuộc tuyệt thực kéo dài 23 ngày của các tù nhân, hơn thế đã 8 đồng chí đăng ký mổ bụng để đấu tranh, phản đối các chính sách  thực dân, đế quốc áp đặt với người tù. Hướng dẫn viên Phạm Thị Mỹ Xuyên trầm lặng “Đa số anh em tình nguyện yêu cầu làm ba đợt: Đợt đầu hai người mổ bụng, đợt hai đi tiếp ba người và đợt ba đi tiếp ba người nữa. Cuộc tranh cãi khá gay gắt, anh Lưu Văn Trọng, Đỗ Hoàng Hải, Nguyễn Chơn Trung chia nhau vận động anh em rút tên chỉ để một người hy sinh mổ bụng thôi. Cuối cùng còn lại hai người không chịu rút lui là anh Nguyễn Thân Phước và Đại đức Thích Hành Tuệ, cả hai tình nguyện tiến hành cùng một đợt.

 

9 giờ sáng một ngày đầu tháng 5 / 1970, tại khu II, anh Nguyễn Văn Thiều, anh Minh cần câu, Tư Ếch… liên tiếp thông báo: “Hỡi toàn thể anh em tù nhân bệnh tật, anh Nguyễn Thân Phước đã mổ bụng phản đối nhà cầm quyền Côn Đảo cho tù nhân ăn đói, đau không cho uống thuốc. Toàn thể tù nhân chúng ta kiên quyết đấu tranh đòi nhà cầm quyền giải quyết và bảo vệ sinh mạng của anh Thân Phước”. Anh em cả bốn khu đều hết sức xúc động, hô la quyết liệt. Từng chập, từng chập bạo động, anh em đồng tuyệt thực không ăn cơm trưa.

 

Qua gần một ngày, cộng với thời tiết nắng nóng, vết mổ máu chảy đầm đìa, ruột lòi ra ngoài sưng phù và bầm tím. Anh Thân Phước cảm thấy mệt và nói: “Anh em ở lại mạnh giỏi, tôi sẽ hy sinh”. Nghe vậy, ai cũng ứa nước mắt!” Cuộc đấu tranh của anh Thân Phước và những chiến sỹ cộng sản, những người tù Côn Đảo là những mốc son khẳng định ý chí kiên trung với Đảng, với Bác Hồ “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

 

Tự đóng thuyền vượt đại dương

 

Theo con đường trải nhựa phẳng lì từ trung tâm huyện đảo đến Bến Đầm - một trong những cảng thông thương kinh tế giữa đất liền với Côn Đảo, chúng tôi đã đến thắp hương ở một ngôi mộ tập thể gồm 81 người đã hy sinh trên biển trong cuộc vượt ngục không thành của 198 tù nhân khổ sai ngày 12/12/ 1952.

 

Tiếng gió từ đại dương ào vào đảo từng cơn, tiếng cô hướng dẫn viên nghẹn ngào khi kể cho chúng tôi nghe về một trong những cuộc vượt ngục ở chốn “địa ngục” này: “Khoảng tháng 6/1947, các tù nhân Côn Đảo gồm ông: Trúc Quỳnh, Hoàng Hữu Kình, Lê Huy Báu… bàn nhau quyết định đóng thuyền vượt ngục. Các ông phân công nhau, người lo làm thuyền, người lo lương thực, vải, sơn… Trong lúc lao động, lợi dụng sơ hở của cai ngục, một trong số các ông thay nhau lén vào rừng đóng thuyền và thu gom vật liệu. Ba tháng sau, con thuyền dài 6 m, rộng 1,4 m và cao 0,8 m hoàn thành. Thời điểm dự tính cho chuyến vượt biển là đêm ngày 12/1/1948. Thế nhưng, một bất ngờ đã xảy ra, vào ngày 2/1/1948, một nhóm tù ở Sở Rẫy tổ chức vượt ngục bị lộ, cai ngục bắt được đem về đánh đập hết sức dã man. Sau đó chúng truy lùng ráo riết số tù đảo thoát đang lẩn trốn trong núi. An ninh được siết chặt. Kế hoạch vượt ngục của nhóm các ông có nguy cơ bị lộ vì chỗ giấu thuyền. Nhưng sau khi bàn bạc kỹ lượng, nhóm các ông quyết định vượt ngục trong lúc đang lộn xộn. Giờ G được lựa chọn là 19 giờ ngày 14/1, chậm hơn dự tính hai ngày. Sau hai ngày đêm, thuyền căng buồm rẽ sóng đến đất liền ở khu vực tỉnh Bạc Liêu. Cả nhóm được dân quân địa phương đưa về tỉnh đội, rồi chuyển về Ban quân sự Nam bộ tiếp tục chiến đấu”. Cô cho biết thêm: “Không chỉ có cuộc vượt ngục của nhóm ông Trúc Quỳnh mà Côn Đảo đã chứng kiến hàng trăm cuộc vượt ngục liên tiếp của các tù nhân muốn thoát khỏi “địa ngục trần gian” để về với đất liền đấu tranh giành độc lập cho nước nhà và có những cuộc vượt ngục không thành, như cuộc vượt ngục ngày 12/12/1952 thấm đẫm nước mắt mà lịch sử còn ghi mãi…”

 

Tri ân người nằm lại

 

Sau khi Côn Đảo được giải phóng ngày 1/5/1975, có người đã tình nguyện ở lại với đảo hoặc về với đất liền rồi quay lại chung tay xây dựng Côn Đảo thành đảo ngọc. Nhiều cựu tù đã trở lại với Côn Đảo để hồi tưởng một thời gian cực khổ và thắp hương cho những đồng đội cũ của mình còn nằm lại nơi đây. Những cựu tù đã ở lại gắn bó với đảo sau ngày đất nước thống nhất, họ được xem là nhân chứng sống của Côn Đảo, là những người có duyên nợ với hòn đảo này. Cựu tù chính trị Phan Hoàng Oanh, quê ở Kiên Giang tham gia cách mạng năm 1964. Trong lúc ông đang dẫn bộ đội đi trinh sát thì bị địch bắt. Năm 1970 ông bị đày ra Côn Đảo cho đến năm 1975. Sau 5 năm bị cầm tù tra tấn dã man và tận mắt chứng kiến đồng đội cũng bị nhục hình như ông, có nhiều người đã hy sinh, nên khi Côn Đảo giải phóng, ông đã tình nguyện ở lại mảnh đất này. Ông bảo: “Biết bao xương máu của đồng đội, của các thế hệ trước đã đổ xuống nơi đây, nên ở lại xây dựng Côn Đảo còn là sự tri ân với đồng đội với những người đã ngã xuống. Chúng tôi sẽ tiếp bước đồng đội xây dựng Côn Đảo cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh…” Ông đã từng giữ chức Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo cho đến lúc về hưu. 3 người con của ông cũng đều công tác ở Côn Đảo.

 

Cũng như ông Oanh, ông Nguyễn Xuân Viên, quê ở Quảng Nam, cựu tù chính trị từ năm 1970 cho đến ngày đảo được giải phóng. Mấy chục năm qua, ông đã cùng vợ ra nhận công tác ở Côn Đảo. Ông bảo, ông muốn giới thiệu cho mọi người, nhất là giới trẻ hiểu hơn về một “địa ngục trần gian” ngày nào. Ông nói: “Phải hiểu để yêu hòn đảo này hơn, góp sức xây dựng đảo cho xứng đáng với ý nguyện của hàng ngàn cựu tù đã nằm lại vĩnh viên nơi này”. Ba người con của ông sau khi tốt nghiệp đại học, trung cấp cũng đều tình nguyện quay lại Côn Đảo. Đó là sự kế thừa, tiếp nối của thế hệ hôm nay với thế hệ đi trước.

 

Rời Côn Đảo, rời nghĩa trang Hàng Dương trong nắng và gió, chúng tôi tự hào về mảnh đất này, về các thế hệ cha anh lớp trước đã không quản hy sinh mất mát để ghi những mốc son trong lịch sử dân tộc. Tự hào về những con người đã đi vào lịch sử như: Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu, Nguyễn An Ninh và nhiều nhiều tấm gương khác. Ký ức về Côn Đảo thuở xưa và ngày nay luôn sống mãi trong chúng tôi - chúng ta những người Việt Nam!