Đó là một trong những nhận định, đánh giá cơ bản sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án 01-ĐA/TU ngày 16-6-2006 của Tỉnh uỷ về “Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác dân vận, nâng cao chất lượng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân giai đoạn 2006-2010” (Đề án 01-ĐA/TU).
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về công tác dân vận, nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án 01-ĐA/TU và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện. Sau khi triển khai chỉ đạo điểm, Đề án nhanh chóng được thực hiện trên địa bàn tỉnh và mang lại hiệu quả tích cực.
Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ các cấp, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể nhân dân đã đưa nội dung của Đề án vào chương trình, nhiệm vụ công tác hàng năm, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã xây dựng được quy chế hoạt động của cấp uỷ với khối dân vận, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, đồng thời phát huy được tinh thần dân chủ, tính năng động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong hoạt động. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng đối với công tác tôn giáo, dân tộc. MTTQ, các đoàn thể đã phối hợp với các ngành chức năng nâng cao chất lượng tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Đội ngũ cán bộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, dần đáp ứng nhiệm vụ được giao. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn dần đi vào nền nếp theo quy định của pháp luật. Đồng bào có đạo, các tín đồ, chức sắc, tôn giáo tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đời sống mới “tốt đời, đẹp đạo”. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.
Chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn trong lao động sản xuất cũng như đời sống, đảm bảo an sinh xã hội. Cán bộ chủ chốt của chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn đến công tác tiếp dân, coi trọng đối thoại trực tiếp với nhân dân cũng như định kỳ nghe báo cáo của MTTQ và các đoàn thể để kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở. Việc tổ chức tham gia ý kiến và lấy phiếu đánh giá đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và trưởng thôn, xóm, bản, tổ dân phố đã tạo điều kiện để người dân phát huy được quyền dân chủ trong xã hội, đồng thời cụ thể hoá hoạt động giám sát của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Qua đó vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt trước Đảng, trước nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được nâng cao.
Nhằm tập hợp lực lượng, các hội quần chúng trên địa bàn được quan tâm tạo điều kiện thành lập và hoạt động. Đến nay toàn tỉnh đã có 57 hội quần chúng, trong đó có 43 hội cấp tỉnh (tăng 25 tổ chức hội so với đầu nhiệm kỳ). Công tác lãnh đạo, quản lý các hội quần chúng trong tỉnh đã dần đi vào nền nếp. Tỷ lệ đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt tại các đoàn thể đạt bình quân 83,48%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là 3,48%. Với phương châm hướng về cơ sở, bám sát cơ sở, việc phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hệ thống chính trị, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Việc phối hợp hoạt động giữa MTTQ và các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng với các ban ngành trong tỉnh ngày càng được mở rộng, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều chương trình phối hợp đã giúp cho MTTQ và các đoàn thể quần chúng có thêm kinh phí để hoạt động, đồng thời nâng cao vị thế của tổ chức đoàn thể trong xã hội.
Có thể khẳng định, Đề án 01-ĐA/TU đã đi đúng định hướng của Đảng, hợp lòng dân. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, hội quần chúng ở cơ sở đã có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, có mục tiêu, giải pháp, chương trình cụ thể. Đến nay, hầu hết các chỉ tiêu của Đề án đã đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Tỷ lệ các chi đoàn, chi hội xếp loại khá trở lên đạt trên 90% (kế hoạch đề ra là 85%); 100% đảng viên tham gia sinh hoạt trong các đoàn thể (kế hoạch đề ra là 80%); 100% cán bộ chuyên trách Ban Dân vận , MTTQ và đoàn thể các cấp được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn quy định (kế hoạch đề ra là 80%); 84,11% gia đình đạt gia đình văn hoá (kế hoạch đề ra là 75%)… Các chương trình hoạt động, phong trào thi đua đã có chiều sâu, tạo ra hiệu quả thiết thực. Tuy vậy, vẫn còn chỉ tiêu chưa đạt được như: Số xóm, bản, tổ dân phố có quy ước, hương ước được phê duyệt mới chỉ đạt 86,7% (chỉ tiêu đề ra là 100%); chưa có phụ cấp cho cán bộ xóm, bản, tổ dân phố…Hoạt động của hệ thống dân vận các cấp tuy có nhiều chuyển biến tích cực song chưa thật đồng đều; việc nắm bắt tình hình nhân dân đôi khi chưa kịp thời, chưa cụ thể; sự phối hợp giữa các lực lượng làm công tác dân vận khi có sự việc phức tạp xảy ra có nơi còn bị động, lúng túng; việc triển khai thực hiện một số cuộc vận động cũng như các phong trào thi đua ở một vài nơi còn mang tính hình thức, thiếu tính bền vững, chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để vị thế, vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiếp tục được khẳng định, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên đến các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần tiếp tục quan tâm đến công tác vận động quần chúng, tập hợp lượng lực đoàn kết xung quanh Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng đã đề ra.