Các giá trị thời đại từ di sản của Lê-nin đang được tiếp tục nghiên cứu để vận dụng sâu rộng và sáng tạo vào thực tiễn nước ta hiện nay
Năm nay, giai cấp công nhân và toàn thể nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới kỷ niệm lần thứ 140 ngày sinh của lãnh tụ thiên tài V.I. Lê-nin -22/04/1870- 22/04/2010. Người là một trong những nhân vật vĩ đại trong lịch sử loài người, tô đẹp cho cả một thời đại bởi trí tuệ và những sáng tạo vô song, bởi những lý tưởng cao đẹp, bởi ý chí cách mạng tiến công. Các giá trị thời đại từ di sản của Lê-nin thật to lớn và phong phú đang được tiếp tục nghiên cứu để vận dụng sâu rộng và sáng tạo tư tưởng Lênin vào sự nghiệp đổi mới toàn diện ở nước ta hiện nay.
Kỷ niệm 140 năm ngày sinh V.I. Lê-nin – lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp vô sản trên toàn thế giới là dịp chúng ta tìm trong di sản vô giá của Người những bài học cho hôm nay. Bài học lớn nhất mang tính thời đại rút ra từ học thuyết cách mạng của Lê-nin, đặc biệt thể hiện ở thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và xây dựng chính quyền Xô Viết chính là: phải không ngừng sáng tạo.
Như chúng ta đã biết, Cách mạng Tháng Mười là niềm vinh quang của những người vô sản cùng với hàng trăm triệu người lao động thành thị và nông thôn nước Nga. Họ đã lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và phong kiến, giành quyền làm chủ cuộc sống của mình. Đó là sự đột phá quan trọng vào một mắt khâu yếu nhất trong dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đưa tới sự ra đời của một nhà nước kiểu mới, một chế độ xã hội kiểu mới chưa hề có trong lịch sử xã hội loài người - chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nếu như Cách mạng Tháng Mười là bài ca chiến thắng, là niềm tự hào bất tận của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới thì cần khẳng định rằng, tác giả đồng thời là nhạc trưởng của bài ca hào hùng ấy chính là V.I. Lê-nin vĩ đại với sự sáng tạo vô song.
Trước đây Mác đã dự kiến về khả năng thành công của cuộc cách mạng vô sản. Người cho rằng: cách mạng vô sản muốn thắng lợi phải nổ ra đồng loạt ở các nước tư bản, hoặc ít nhất cũng phải nổ ra ở một số nước tư bản tiên tiến như ở Anh, Pháp, Đức... Kết luận trên của Mác rút ra từ thực tiễn, vào lúc chủ nghĩa tư bản đã trở thành một hệ thống chính trị quốc tế. Một cuộc tiến công của giai cấp vô sản vào bất cứ một mắt xích nào trong hệ thống đó cũng có nghĩa là đánh vào toàn bộ hệ thống đế quốc. Vì vậy, chúng tạm dẹp các mâu thuẫn nội bộ để đàn áp các cuộc trỗi dậy của giai cấp vô sản. Do đó, cách mạng vô sản muốn giành thắng lợi không thể nổ ra ở một nước mà phải nổ ra đồng loạt ở nhiều nước tư bản.
Kết luận đó của Mác đã được không ít người đương thời tiếp nhận như một công thức cứng nhắc, một định đề bất di bất dịch mặc dù khi hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi. Vì thế, họ đưa ra khẩu hiệu “Liên bang châu Âu”. Theo họ, Liên bang đó là kết qủa thắng lợi của các cuộc cách mạng vô sản nổ ra đồng loạt trong nhiều nước. Họ không nhận thấy từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang chủ nghĩa đế quốc, và quy luật phát triển không đều đã làm hệ thống đế quốc rạn nứt, phân tán, tạo điều kiện thắng lợi cho cách mạng vô sản ở từng nước riêng biệt.
Ở Nga, những nhà “cách mạng đầu lưỡi” lúc đó cũng có cùng giọng điệu. Họ còn phủ nhận việc coi Nga hoàng là kẻ thù chung của giai cấp vô sản toàn châu Âu. Mặt khác, họ không thể thấy hết sức mạnh to lớn của giai cấp vô sản liên minh với các dân tộc Nga cũng như mối quan hệ tương tác của giai cấp vô sản và phong trào dân tộc tiến bộ ở châu Âu với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức ở Nga.
Họ chờ đợi một cuộc cách mạng thuần túy và đương nhiên là họ không bao giờ thấy nó cả. Lê-nin đã cho rằng: Họ là người cách mạng nói suông không hiểu một cuộc cách mạng thật sự.
Đảng bôn-sê-vích Nga đứng đầu là Lê-nin cho rằng: Cần hiểu cặn kẽ một nguyên tắc bất di bất dịch là người mác-xít phải chú ý đến cuộc sống sinh động, đến những sự thật chính xác của hiện thực, chứ không phải bám lấy cái chân lý ngày hôm qua. Trên tinh thần đó, Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga vận dụng sáng tạo các luận điểm của Mác vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước Nga đầu thế kỷ 20.
Lê-nin chỉ ra: mặc dù các thế lực phản động có xu hướng câu kết với nhau, nhưng do sự phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc, mỗi tên có quyền lợi riêng. Vì quyền lợi riêng, trong nhiều trường hợp chúng không điều hoà nổi mâu thuẫn nội bộ của hệ thống đế quốc. Người còn nhận thấy trong việc câu kết của chúng có tính chất lỏng lẻo, bấp bênh. Chúng sẵn sàng biến “bạn đồng minh trở thành chó sói”. Chính vì thế, cách mạng có thể nổ ra thắng lợi ở một nước riêng rẽ. Sự thống trị của Nga hoàng đã làm nảy sinh trong lòng xã hội Nga những mâu thuẫn gay gắt, không thể điều hoà. Nước Nga trở thành một mắt xích yếu kém trong hệ thống dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc. Dó đó, cách mạng có thể giành được thắng lợi. Thực tiễn đã khảo nghiệm sự phân tích đúng đắn của Lê-nin và Đảng bôn-sê-vích Nga.
Cùng với Cách mạng Tháng Mười, sáng tạo vĩ đại của Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga là việc thiết lập nhà nước và chế độ Xô viết, cống hiến lớn lao đối với sự phát triển của xã hội loài người. Với thiên tài của Lê-nin và những người kế tục sự nghiệp của Người, chủ nghĩa xã hội ở nước Nga đã được thiết lập, không ngừng hoàn thiện và thành một chế độ xã hội hiện thực mới mẻ, chưa hề có trong lịch sử loài người. Có thời gian chủ nghĩa xã hội đã tồn tại như một hệ thống hùng mạnh và có tính quyết định đến vận mệnh phát triển của thế giới, đã thách thức và buộc chủ nghĩa tư bản phải tự điều chỉnh để có thể tồn tại, đã tìm được và đón bắt nguồn lực phát triển đồng điệu với khát vọng vươn tới của con người.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa do Lê-nin sáng lập đã có trình độ điều hành xã hội ở qui mô lớn, thể hiện tính tổ chức chặt chẽ và phân công hợp lý của cộng đồng một nước và nhiều nước, đã làm cho vấn đề nhân đạo, hòa bình, phát triển thành vấn đề chung của thế giới. Nhà nước sáng tạo của Lê-nin còn là tấm gương về sự giúp đỡ những nước nhỏ yếu một cách vô tư, trong sáng, chí tình chí nghĩa, là mẫu mực của sự đoàn kết quốc tế trên cơ sở một mẫu số chung là tất cả vì sự nghiệp giải phóng con người và tiến bộ xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và Nhà nước xô viết trong quá trình xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội đã là minh chứng và là bài học hùng hồn về đường lối cách mạng sáng tạo. Bài học sáng tạo đó có ý nghĩa soi sáng cho việc phân tích những vấn đề nảy sinh hôm qua và cung cấp phương pháp luận cho hôm nay.
Bài học hôm qua về sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên xô cho thấy, ở Đông Âu và Liên xô (trước đây), chủ nghĩa xã hội hiện thực không phải là kết quả trực tiếp của việc phủ định chủ nghĩa tư bản. Tiền đề vật chất để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước này chưa thật đầy đủ. Bởi vậy, để xây dựng thành công một phương thức sản xuất cao hơn chủ nghĩa tư bản, thì tất yếu phải là một công việc đầy khó khăn, đòi hỏi tính tự giác cao và không ngừng sáng tạo. Thiếu sáng tạo hoặc “sáng tạo” vô nguyên tắc, thậm chí, ở giai đoạn cuối cùng của nó, những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác- Lê-nin lại bị phá vỡ và cả bị phản bội nên đó chính là những nguyên nhân làm đổ vỡ chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Cả trong lý luận và thực tiễn đều chứng tỏ, chủ nghĩa xã hội là có thực, có thể xây dựng được, bảo vệ được và phát triển được. Nếu biết tìm ra những phương pháp, cách thức, bước đi hợp lý, đặc biệt là không ngừng sáng tạo, nhất định có thể khắc phục được những yếu kém của chủ nghĩa xã hội để đưa nó phát triển đi lên.
Bài học cho hôm nay, trong khi bảo vệ, củng cố, phát triển chủ nghĩa xã hội hiện nay, cần nhận thức rõ mấy khía cạnh. Một là, chủ nghĩa xã hội đang cùng tồn tại với chủ nghĩa tư bản, và hiện thời trong điều kiện toàn cầu hoá, có những mặt kém lợi thế hơn so với chủ nghĩa tư bản. Vì thế, phải nhận biết những thách thức và những chống phá của các thế lực thù địch để có đối sách hợp lý, kịp thời. Hai là, khung cảnh của thế thế giới hiện đại là những quan hệ chằng chịt. Nhiều hình thái kinh tế- xã hội khác nhau, nhiều cách thức phát triển xã hội khác nhau đang cùng tồn tại. Quan hệ quốc tế ngày càng đa dạng, nhiều chiều, phức tạp. Giữa các nước và các chế độ xã hội có sự đấu tranh với nhau, có sự tác động phụ thuộc lẫn nhau, thâm nhập vào nhau và có cả chuyển hoá lẫn nhau. Vậy nên, thực hiện quá trình đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ quốc tế là phải biết giữ mình, không để méo mó đi hoặc bị hoà tan. Ba là, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước khác nhau có thể được tiến hành bằng những con đường khác nhau, thể hiện dưới những hình thức khác nhau, tuỳ thuộc đặc điểm riêng của mỗi nước và mỗi dân tộc.
Từ sự phân tích trên có thể thấy sáng tạo là bài học quý giá nhất mà chúng ta học được từ Lê-nin. Với Lê-nin, cách mạng là sáng tạo, cách mạng phải là sáng tạo, có sáng tạo cách mạng sẽ gặt hái được những điều kỳ diệu. Đảng ta và nhân dân ta sáng tạo không ngừng nên đã giành được những thắng lợi vô cùng to lớn. Ngày nay trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp khôn lường, trong nước có nhiều khó khăn thách thức, chúng ta càng cần hai lần sáng tạo.
Được tiếp thu bài học “Cách mạng là sáng tạo” của Lê-nin và soi sáng bằng tư tưởng Hồ Chí Minh - tinh hoa sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện Việt Nam, với bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp cách mạng và khoa học, nhất định Đảng ta sẽ lãnh đạo đất nước phát triển với tầm cao mới, sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhất định sẽ thu nhiều thành tựu to lớn. Cách mạng là sáng tạo, bài học quí báu đó mãi mãi là tiền đề vững chắc cho chúng ta vững bước tiến lên./.