Thực hiện uỷ nhiệm của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 5-5, tại Hội trường lớn Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí năm 2010. Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đây là dịp để báo chí cả nước nhìn lại hoạt động trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi sơ kết 3 năm triển khai Thông báo Kết luận 162-TB/TW của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, quản lý báo chí và 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới. Đồng thời, cũng là dịp để các cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo, quản lý và tác nghiệp chuyên môn; trực tiếp phản ánh với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí về những thuận lợi, khó khăn, những đề xuất, kiến nghị để nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí.
Báo cáo đánh giá công tác báo chí thời gian qua của lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng đổi mới hoạt động, vượt qua mọi khó khăn thử thách và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Hầu hết các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, thực hiện tốt chức năng định hướng tư tưởng theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích, ngày càng thể hiện rõ tính chuyên nghiệp cũng như đạo đức nghề nghiệp của báo chí, góp phần quan trọng thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội, kịp thời phát hiện và biểu dương những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Tính đến hết năm 2009, cả nước đã có 706 cơ quan báo in và 528 tạp chí, 67 đài phát thanh - truyền hình, 21 báo điện tử, 160 trang điện tử của các cơ quan báo in, hàng ngàn trang điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, hội, hiệp hội, các doanh nghiệp. Cả nước có trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ. Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí và nhà báo còn có những biểu hiện chưa nghiêm túc trong quá trình thực hiện Luật Báo chí; thông tin chưa đúng sự thật, thiếu chính xác, thiếu nhạy cảm về chính trị…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang và đồng chí Tô Huy Rứa đã ghi nhận những đóng góp không nhỏ của giới báo chí trong cả nước thời gian qua, đồng thời lưu ý: Năm 2010, đất nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại, có tầm ảnh hưởng sâu, rộng trong nhiều năm tới như: Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 120 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu; 65 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9; Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; đặc biệt là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI... thực tế và bối cảnh đất nước đặt ra cho báo chí những thách thức mới, nhưng đó cùng chính là cơ hội để các loại hình báo chí trong cả nước có dịp thể hiện khả năng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp; sáng tác được nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần xứng đáng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2010 và những năm tiếp theo.