Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Còn nhiều nội dung mang tính định hướng

15:57, 23/05/2010

Theo các đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội), dự thảo luật được đưa ra lấy ý kiến ở kỳ họp này đã được chỉnh lý công phu, rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn còn 2 nhược điểm được coi là những hạn chế còn tồn tại

 

Chiều 22/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên. Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

 

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 10 chương, 163 điều quy định về việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài và của tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng.

 

Dự thảo luật này đã được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội từ kỳ họp thứ 6, dự kiến cùng với Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật Thuế nhà, đất; Luật Nuôi con nuôi; Luật Bưu chính; Luật Thi hành án hình sự; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Người khuyết tật; Luật Trọng tài thương mại; Luật An toàn thực phẩm sẽ được thông qua tại kỳ họp này.

 

Thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội từ kỳ họp trước một cách công phu, rõ ràng.

 

Những nội dung được chỉnh sửa phù hợp với thực tế của đất nước, kể cả sự phát triển của các tổ chức tín dụng hiện tại và hướng đang phát triển trong tương lai. Chúng cũng phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và thực hiện. Những nội dung được chỉnh sửa chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tự chủ, năng động hơn trong kinh doanh và quản trị; tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước kiểm soát và quản lý, giám sát các hoạt động của các tổ chức tín dụng chặt hơn và hiệu quả hơn.

 

Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn thái Bình), đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội), dự thảo luật vẫn còn tồn tại một số nhược điểm vốn có trong cách làm luật, không chỉ tập trung ở luật này mà ở nhiều luật khác đó là nhiều nội dung còn mang tính định hướng; những vấn đề xử lý, nhất là vấn đề cụ thể liên quan đến định lượng vẫn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt đây là 2 vấn đề quan trọng đối với Luật Các tổ chức tín dụng, một luật mà có nhiều hành vi, có nhiều hoạt động về nghiệp vụ buộc các ngân hàng thương mại phải thực hiện nghiêm, thống nhất; hai điều này cản trở việc triển khai, thực thi, đưa luật này vào cuộc sống.

 

Cụ thể như vấn đề giới hạn sở hữu cổ đông, điều kiện để các ngân hàng cổ phần được mua, tham gia vốn lẫn nhau, giới hạn để cấp tín dụng với một khách hàng của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giới hạn cho vay của tổ chức tín dụng đối với các hệ thống phi ngân hàng hay khách hàng có liên quan.

 

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm kiến nghị: Ngay từ bây giờ, Ban soạn thảo cần khẩn trương đưa ra các văn bản hướng dẫn để đến ngày 1/1/2011 khi luật có hiệu lực thi hành, các quy định trong luật sẽ được thực thi đầy đủ, tránh tình trạng hiệu lực triển khai luật kém, dẫn đến việc các tổ chức tín dụng, ngân hàng vi phạm luật ngay khi luật vừa được thực hiện là không nên.

 

Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu còn băn khoăn đối với những quy định ở Điều 55 về giới hạn tỷ lệ cổ phần của cổ đông là các tổ chức, cá nhân. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân là không quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

 

Đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, có ý kiến đề nghị giữ mức giới hạn sở hữu cổ phần không quá 20%, có ý kiến đề nghị ở mức 15%. Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến tán thành với đề xuất của Uỷ ban Thường vụ Quốc hộ cho rằng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức cần ở mức vừa phải nhằm giảm khả năng chi phối và kiểm soát của một số ít cổ đông đối với một tổ chức tín dụng cổ phần để bảo vệ lợi ích của cổ đông nhỏ, tránh tình trạng lạm dụng hoạt động ngân hàng để phục vụ cho lợi ích của nhóm cổ đông lớn, có thể gây rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, nhưng cũng đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thu hút cổ đông chiến lược là ngân hàng, tập đoàn kinh tế-tài chính để được giúp đỡ công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Do đó, quy định giới hạn sở hữu cổ phần của một cổ đông là tổ chức không quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng là phù hợp.

 

Về nội dung quy định tại Khoản 6 điều 103 của Dự thảo luật quy định việc Ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại được mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác với điều kiện và trong giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước, các đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) cho rằng quy định như vậy là bước thụt lùi trong luật. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền phân tích: “Luật hiện hành đã ấn định số 11% của ngân hàng thương mại và công ty con của ngân hàng thương mại có thể được mua trong vốn điều lệ, nay chúng ta lại giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định. Tôi cho rằng đây là một bước thụt lùi”. Đại biểu Quyền đề nghị tỷ lệ này cần được xác định ngay trong luật để bảo đảm tránh tùy tiện.

 

Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) quan tâm vấn đề tự do hóa lãi suất và bỏ trần lãi suất được quy định tại Điều 91 của dự thảo luật này. Dẫn nội dung khoản 2 và 3 của Điều 91, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng có thể hiểu luật cho phép khách hàng và tổ chức tín dụng có quyền thỏa thuận về lãi suất. Lãi suất ở đây có thể hiểu là cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tại Điều 476 của Bộ luật dân sự có quy định về lãi suất trong hợp đồng vay, quy định lãi suất cho vay là do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định.

 

Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị giải trình rõ nếu áp dụng quy định này, thì quy định của Bộ luật dân sự còn thực hiện được không, hay nếu có quy định này thì theo nguyên tắc luật quy định sau sẽ có hiệu lực với tầm luật là như nhau. Như vậy, nếu có quy định này thì Điều 476 đương nhiên không thực hiện nữa. Đại biểu Lê Thị Nga cũng kiến nghị cần giải trình thêm cho đại biểu rõ nếu chúng ta quy định về bỏ trần lãi suất và tự do hoá lãi suất, thì mặt được và chưa được của tự do hoá lãi suất là gì, phương án nào thuận lợi hơn để có được sự đồng thuận trong dư luận.

 

Thứ hai (24/5), Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận và cho ý kiến đối với một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau của 2 dự thảo luật Luật Thi hành án hình sự và Luật Trọng tài thương mại.