Người là niềm tin của dân tộc Việt

10:58, 19/05/2010

Hôm nay 19/5, cả nước ta tưng bừng kỷ niệm 120 năm Ngày sinh nhật Bác- vị cha già kính yêu của dân tộc: Người là Cha, là Bác, là Anh/ quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ…

 

Từ nhiều ngày trước đó, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên các hoạt động kỷ niệm Ngày sinh của Bác đã diễn ra hết sức tưng bừng và hoạt động lớn nhất là lễ kỷ niệm Ngày sinh của Bác và sơ kết ba năm thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo Người diễn ra vào ngày 18/5. Thái Nguyên không chỉ là mảnh đất của thép gang mà con là nơi Bác từng chọn làm ATK tuyệt mật: Tiện đường ra Bộ tổng, thuận lợi tới Trung ương… gần dân không gần đường. Giữa núi rừng Định Hóa, Người đã ở và làm việc, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Những con đường, những địa danh nơi đây đã in dấu chân người và nhân dân Định Hóa luôn nhớ về: ông cụ mắt sắng ngời/ áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường… Bởi thế nên trong Ngày sinh nhật Bác tình cảm của nhân dân Định Hóa, nhân dân Thái Nguyên đối với Người càng sâu lắng hơn, cảm giác như Người vẫn đâu đây…

 

Hiếm có đất nước nào lại có một ngày kỷ niệm sinh nhật chung của lãnh tụ như đất nước Việt Nam, hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh vị lãnh tụ đã in sâu vào tâm khảm của tất cả mọi người dân, từ già trẻ gái trai, đồng bào miền xuôi miền ngược, hình ảnh vị cha già của dân tộc vừa thiêng liêng vừa gần gũi thân quen. Người là niềm tin của cả dân tộc Việt Nam, là đề tài bất hủ của các văn nghệ sĩ và là biểu tượng vĩnh hằng của dân tộc Việt.

 

Người ta có thể gọi Bác bằng nhiều cách khác nhau: một vị lãnh tụ, một người cộng sản chân chính, một tâm hồn và trí tuệ lớn lao, 1 con người của những quyết định lịch sử; nhưng trên hết thảy, Hồ Chí Minh là một người con yêu nước vĩ đại đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Ngày 19 tháng 5 năm 1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời tại quê ngoại làng Chùa, Nam Đàn, Nghệ An. 500 năm trước, chúng ta có người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. 500 năm sau, theo đúng lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Đụn Sơn phân giải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”, chúng ta có Hồ Chí Minh.

 

Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tùng, Bác đã tự nhận là người không có gia đình và không có con nhưng “gia đình tôi là Việt Nam, con cái tôi là các thanh niên Việt Nam”. Hiếm có vị lãnh tụ nào nếm mật nằm gai chịu khổ cùng quân dân trong những năm kháng chiến, rồi lại sát cánh cùng cả nước dựng xây trong những năm hòa bình như Hồ Chí Minh đã làm. Cho dù không phải tất cả đều diễn ra như mong muốn. 

 

Những năm sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ bị phá vỡ, đất nước bị chia cắt, lại phải lo thù trong giặc ngoài; một mặt là sự đánh phá khốc liệt của đế quốc Mỹ tại miền Bắc Việt Nam, một mặt là sự chống Cộng điên cuồng của chính quyền tay sai miền Nam Việt Nam; dân tộc ta vẫn kiên cường đi theo con đường đã vạch ra, đấu tranh không mệt mỏi giữa một bên là sức mạnh vật chất kinh khủng và mù quáng với một bên là sự lựa chọn trí tuệ và tình thương của từng con người. Trong những lúc cam go khó khăn nhất đó, Người vẫn vững một niềm tin, bởi đến ngày thống nhất, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

 

Tuổi xế chiều, Bác Hồ đã về sống trong ngôi nhà nhỏ, có vườn cây, ao cá, sớm chiều bầu bạn với các cụ già em nhỏ. Cuộc sống vật chất của Người chỉ nhỏ bé, giản dị trái ngược với ham muốn to lớn của Người:

 

 Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

 

Xin lấy lời của đồng chí Lê Duẩn để kết thúc bài viết này:  “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, và non sông đất nước ta.”