Nhiều hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

14:35, 16/05/2010

Ngày 16/5, Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đã tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 15 năm thành lập Khoa.

 

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc cũng như 15 năm xây dựng và phát triển của Khoa. Khoa Giáo dục Chính trị trước đây là Khoa Giáo dục Lý luận Chính trị Mác- Lênin được thành lập năm 1995, trên cơ sở sáp nhập các bộ môn Mác- Lênin thuộc 4 trường Đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên. Hiện, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa có 31 người, trong đó có 2 tiến sĩ, 5 nghiên cứu sinh, 23 thạc sĩ và đang học cao học. Từ khi thành lập đến nay, đã có 9 khóa sinh viên ra trường với tổng số 731 người, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi đạt trên 50%. Với những thành tích đã đạt được, trong 15 năm qua, Khoa đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng nhiều Giấy khen của Đại học Thái Nguyên. Nhiều cán bộ giảng dạy của khoa được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Huy chương danh dự vì sự nghiệp khoa học công nghệ…

 

Cũng trong buổi lễ, lãnh đạo Đại học Thái Nguyên đã trao quyết định về việc đổi tên khoa từ Khoa Giáo dục Lý luận Chính trị Mác- Lênin thành Khoa Giáo dục Chính trị, trực thuộc Trường Đại học Sư phạm cho đại diện lãnh đạo Khoa. Trước đó, ngày 15/5, Khoa đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại” khẳng định rõ vai trò quan trọng của Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.

 

* “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người” là chủ đề Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các cơ quan văn hóa Thành phố Thái Nguyên lần thứ II, năm 2010 diễn ra trong hai ngày 13 và 14/5 tại Rạp măng non Nhà thiếu nhi Thái Nguyên. Đây là một trong nhiều hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2010) của T.P.

 

Liên hoan có trên 500 diễn viên tham gia, với 72 tiết mục của 20 cơ quan, đơn vị và 18 đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn. Mỗi đội tham dự 3 tiết mục (hát, hát múa, múa). Các tiết mục chủ yếu là những bài hát, điệu múa ca ngợi Bác Hồ; tình cảm của Bác với nhân dân; tấm lòng của người dân với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bài hát, điệu múa được các diễn viên không chuyên biểu diễn tình cảm, lắng đọng, thể hiện công lao to lớn của Người, sự biết ơn và tấm lòng thành kính với Người - vị Cha già của dân tộc Việt Nam.

 

Kết thúc Liên hoan, đã có 20 tiết mục đoạt giải A, 30 tiết mục đoạt giải B và 21 tiết mục đoạt giải C; 3 đoàn đoạt giải Nhất, 4 đoàn đoạt giải Nhì và 5 đoàn đoạt giải Ba toàn đoàn. Giải Nhất toàn đoàn thuộc về đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Trường Mầm non 19-5 và cơ quan khối chính quyền. Ban Tổ chức cũng đã chọn ra 20 tiết mục đặc sắc để công diễn vào tối 17/5 tại Quảng trường 20-8 (T.P Thái Nguyên).