Nhiều vấn đề cần phải làm rõ

09:06, 22/05/2010

Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp lần này và ngay trước khi bước vào nghị sự đã có nhiều ý kiến trái chiều, thể hiện sự băn khoăn trước một dự án quy mô, cả về vốn và thời gian thực hiện.

 

Đa số ý kiến các đại biểu cho rằng, cần thêm nhiều dữ liệu để làm rõ, dự án là động lực hay gánh nặng vay vốn, nợ nần của nền kinh tế.

 

Ý tưởng hấp dẫn nhưng...

 

Việc phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bảo đảm hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, an toàn, chính xác và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường là phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước ta và đã được Luật Đường sắt 2005 quy định chi tiết, trong đó có việc đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng đường sắt, điện khí hóa đường sắt.

 

Làm rõ thêm ý kiến này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường) cho rằng, quá trình CNH, HĐH đất nước không thể thiếu việc phát triển giao thông vận tải. Các đại biểu Phạm Thị Loan, Đặng Văn Khanh (đoàn Hà Nội), Nguyễn Đăng Trừng, Phạm Phương Thảo (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, đường sắt Việt Nam được xây dựng và sử dụng từ thời Pháp thuộc, ít được đầu tư nâng cấp nên đến nay đã quá lạc hậu. Việc đầu tư nâng cấp, xây mới là rất cần thiết. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh thêm: Đã đến lúc không thể phủ nhận sự cần thiết đầu tư cho giao thông hiện đại. Việc triển khai dự án này thể hiện được sự dự liệu cho tương lai lâu dài. Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định: "Nếu nhìn vào hiệu quả kinh tế thì không cao, nhưng hiệu quả lan tỏa của giao thông là cực kỳ lớn".

 

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn và đề nghị Chính phủ cần phân tích sâu hơn nhu cầu thị trường vận tải hành khách đối với loại dịch vụ vận tải cao cấp này, những lợi thế vượt trội của việc đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc so với việc đầu tư cho các loại hình giao thông khác. Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho rằng trước khi nói về dự án này cần xác định rõ nhu cầu vận tải hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời với việc đánh giá hiệu quả của hệ thống GTVT hiện nay. Đây là việc làm rất quan trọng trong khi GTVT vẫn đang được quan tâm đầu tư: Hệ thống giao thông đường bộ như quốc lộ 1A luôn được cải thiện, nâng cấp, đường Hồ Chí Minh đang chuẩn bị xây dựng giai đoạn 2...

 

Không chỉ là chuyện... tiền

 

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm là tài chính cho dự án. Với con số dự tính đầu tư cho xây dựng dự án lên đến gần 56 tỷ USD, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại về khả năng huy động nguồn vốn lớn như vậy. Cộng với việc dự tính thời gian hoàn tất dự án đến năm 2035 và thời gian thu hồi vốn kéo dài khoảng 35 năm, nhiều đại biểu băn khoăn về sức nặng của việc đầu tư cho dự án này đối với ngân sách. Đại biểu Phương Hữu Việt (đoàn Bắc Ninh) còn cho rằng, thời gian triển khai dự án dài như vậy sẽ khó đánh giá hết tác động về tài chính, chẳng hạn việc vay vốn ODA bằng đồng ngoại tệ với những biến động gây rủi ro về tỷ giá. Đại biểu Đinh Mươk (đoàn Quảng Nam) thì cho rằng, số tiền đầu tư cho dự án là quá lớn trong khi còn nhiều việc cần phải chi cho phát triển kinh tế - xã hội.

 

Một số vấn đề khác được coi là tác động của dự án cũng được các đại biểu đề cập và đòi hỏi có đánh giá kỹ lưỡng. Chẳng hạn, tuy Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh không có tác động lớn đến ô nhiễm không khí nhưng có đi qua một số vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các dải rừng nguyên sinh là những vùng nhạy cảm về môi trường, sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hệ sinh thái rừng, nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm, quỹ đất cần giải phóng mặt bằng cũng rất lớn.

 

Quá trình thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã có ý kiến lo lắng về việc với hơn 1.500ha đất nông nghiệp phải thu hồi, dự án cần tính đến việc duy trì diện tích đất nông nghiệp cần thiết. Cần tính toán ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tác động đến các yếu tố gây bất lợi cho dự án như địa chất, thủy văn, bão lũ... Đại biểu Trần Thị Kim Phương (đoàn Hà Nội) còn bày tỏ sự quan ngại vì theo tinh thần dự án thì sẽ có hơn 16.500 hộ gia đình bị ảnh hưởng do quá trình GPMB. Báo cáo của Chính phủ chưa nêu rõ được hướng giải quyết cho vấn đề mang tính xã hội rất lớn này...

 

Nhìn chung, qua phần thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội về Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam có thể thấy, bên cạnh việc đồng tình về chủ trương hiện đại hóa GTVT, các đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy mô, hình thức huy động vốn cũng như thời gian triển khai dự án. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội yêu cầu cần có những đánh giá cụ thể hơn về tác động của dự án đối với quy hoạch chung và các vấn đề liên quan đến dân sinh, môi trường khác. Vì vậy, để dự án rõ nét, giàu tính thuyết phục, tạo được sự đồng thuận cao, các đại biểu đề nghị cần thiết phải có ý kiến thẩm tra sâu hơn của các ủy ban khác của Quốc hội như Kinh tế, Tài chính và Ngân sách.