Việt Nam và LHQ ký quy chế chung về hợp tác

17:34, 06/05/2010

Bản quy chế chung đầu tiên về Quản lý Chương trình, dự án hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, ký kết ngày 6/5, tại Hà Nội.

 

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh những đóng góp của UNDP, UNICEF và UNFPA vào việc xây dựng bản quy chế chung này đã thể hiện sự nỗ lực mang tính tiên phong, đáng để các đối tác khác noi theo trong nỗ lực chung nhằm thực hiện chương trình viện trợ hiệu quả ở Việt Nam.

 

Ông John Hendra khẳng định đây là một sự kiện chưa từng có trong hệ thống Liên hợp quốc, ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

 

"Chúng ta chưa bao giờ có được một hệ thống các quy tắc quản lý chương trình và dự án có sự hài hòa và phù hợp cao như vậy", ông John Hendra nói. Ông tin tưởng bản quy chế này sẽ giúp làm giảm các chi phí giao dịch cho các bên tham gia và góp phần nâng cao hiệu quả tài trợ.

 

Bản quy chế là một phần chủ chốt trong Bộ quy chế quản lý chung, một trong năm trụ cột của Sáng kiến Một Liên hợp quốc đang được thực hiện tại Việt Nam.

 

Bản quy chế này là hành động chung của Chính phủ và 3 tổ chức Liên hợp quốc nhằm hưởng ứng Tuyên bố Paris và Tuyên bố Hà Nội về Hiệu quả của các dự án viện trợ.

 

Đây cũng là kết quả của một quá trình tham vấn, đàm phán khá dài, tương đối thách thức và có tính xây dựng cao giữa các bên tham gia Quy chế chung thể hiện mối quan hệ đối tác tin cậy giữa Chính phủ và các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam.

 

Bản quy chế đề ra trách nhiệm rõ ràng giữa các bên tham gia vào các chương trình và dự án do Liên hợp quốc tài trợ bằng cách sử dụng hệ thống giữa hai bên cùng quản lý.

 

Điều này có nghĩa là các nguyên tắc của Chính phủ sẽ được sử dụng khi các đối tác chính phủ thực hiện các hoạt động dự án do Liên hợp quốc tài trợ và các nguyên tắc của từng tổ chức Liên hợp quốc sẽ được áp dụng khi các tổ chức này thực hiện các dự án của mình.

 

Văn bản này sẽ được áp dụng thử nghiệm trong vài năm tới và dự kiến được sửa đổi cho phù hợp với những bài học kinh nghiệm được rút ra trong thời kỳ thử nghiệm.

 

Trước hết, Quy chế sẽ được áp dụng cho các dự án được tài trợ bởi 3 tổ chức Liên hợp quốc: UNDP, UNICEF và UNFPA; các tổ chức khác của Liên hợp quốc sẽ xem xét việc áp dụng trong các năm tới.