Sáng 17/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường thông qua 5 Luật: Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Bưu chính, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Người khuyết tật và Luật Nuôi con nuôi.
Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chính là dự án Luật Thuế nhà, đất đã trình Quốc hội kỳ này, tuy nhiên, do Quốc hội thống nhất chưa đưa nhà vào đối tượng chịu thuế nên Luật Thuế nhà, đất được đổi tên gọi thành Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Luật quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, đăng ký, khai, tính, nộp thuế, miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, để quy định của luật phù hợp thực tiễn, mang tính kế thừa các quy định hiện hành, tránh sơ hở dẫn đến thất thoát nguồn thu NSNN, không công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, Luật quy định diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế; việc thu thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm (thuế suất 0,2%) không phải là căn cứ công nhận tính hợp pháp của diện tích này, đồng thời các hành vi lấn, chiếm sẽ bị xử lý pháp luật quy định tại khoản 7, điều 7 của luật này.
Để bảo đảm thuận lợi cho người nộp thuế sống ở vùng sâu vùng xa, người nộp thuế có thể nộp thuế tại Uỷ ban Nhân dân xã. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc cộng dồn diện tích đất chịu thuế để tính thuế có ý nghĩa quan trọng đối với việc hạn chế đầu cơ, mặt khác với tính chất là sắc thuế chủ yếu do địa phương quản lý và nguồn thu cũng để lại cho địa phương sử dụng thì việc cộng dồn diện tích đất theo phạm vi địa phương là hợp lý.
Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được Quốc hội thông qua với 86% số đại biểu tán thành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.
Luật Bưu chính gồm 10 chương, 46 điều, quy định về hoạt động bưu chính; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động bưu chính và quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính tại Việt Nam. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nêu lên những vấn đề cần tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật như nguyên tắc hoạt động Bưu chính, hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ Bưu chính... Ngoài những vấn đề nêu trên, dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội chỉnh lý nội dung cụ thể ở một số điều như: ghép điều 17 và điều 18 của dự án Luật thành điều 17 mới, sắp xếp lại vị trí một số điều khoản cho hợp lý hơn.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bưu chính với 85,8% đại biểu tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với 85,8% đại biểu tán thành. Điểm đáng chú ý là điều 5 của dự thảo Luật mới đã được chỉnh lý, trong đó xác định áp dụng thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiếp kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chính phủ khuyến khích sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng, thực hiện lộ trình từng bước loại bỏ các thiết bị công nghệ lạc hậu, hiệu suất sử dụng năng lượng thấp... Ngoài những vấn đề chỉnh lý nêu trên, dự thảo Luật đã giảm bớt các quy định có tính động viên, khuyến khích, sắp xếp lại bố cục một số điều khoản để hoàn thiện hơn về kỹ thuật văn bản. Sau khi chỉnh lý, dự thảo luật có 18 chương, 48 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Luật Người khuyết tật cũng đã được Quốc hội thông qua 429 phiếu tán thành (bằng 87,02%). Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trong đó nhiều vấn đề lớn đã được làm rõ trong quy định của Luật như xác nhận khuyết tật, trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật…
Về phương pháp và thủ tục xác định mức độ khuyết tật, có ý kiến đề nghị rút ngắn thời hạn giải quyết yêu cầu xác định mức độ khuyết tật, bổ sung quy định kết quả xác nhận mức độ khuyết tật phải được công bố rộng rãi tại địa phương nhằm tăng cường giám sát của nhân dân, hạn chế những quyết định thiếu khách quan. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất rút ngắn thời hạn giải quyết từ 45 ngày xuống 30 ngày, đồng thời bổ sung quy định về việc thông báo công khai quyết định của hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Luật cuối cùng được đưa ra để các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua sáng nay là Luật Nuôi con nuôi. Đây là bộ Luật quy định nhiều vấn đề trong giải quyết các thủ tục cho, nhận con nuôi để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Luật nuôi con nuôi được các đại biểu Quốc hội thông qua với 87,83% số phiếu tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011.
Chiều 17/6, theo chương trình, Quốc hội tiếp tục biểu quyết thông qua 3 Luật gồm: Luật Thi hành án hình sự; Luật Trọng tài thương mại và Luật An toàn thực phẩm./.