Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường dự Hội nghị G20

09:49, 25/06/2010

Theo lời mời của Thủ tướng Canada Stephen Harper, ngày 25/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam rời Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao G20 lần thứ 4 diễn ra từ ngày 26-27/6/2010 tại Toronto.

Tham gia Đoàn chính thức có Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Khắc Định, Đại sứ Việt Nam tại Canada.

 

Với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam và ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 nhằm góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu; quá trình xây dựng thể chế G20 và xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu phù hợp với lợi ích của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, qua đó khẳng định vai trò ASEAN nói chung, Việt Nam nói riêng trong cộng đồng quốc tế.

 

Chuyến thăm cũng nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên G20, đặc biệt là các nước đối tác ưu tiên của Việt Nam.

 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia một diễn đàn quốc tế gồm những nền kinh tế mạnh nhất thế giới để bàn thảo các vấn đề kinh tế toàn cầu.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham gia các phiên thảo luận tại Hội nghị với lãnh đạo các nước G20  và khách mời. Bên lề Hội nghị, dự kiến, Thủ tướng cũng sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị.

 

Dự Hội nghị Cấp cao G20 Toronto lần này gồm đại diện các thành viên G20 (Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Italia, Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, EU); các nước khách mời (Việt Nam, Malawi, Ethiopia, Tây Ban Nha, Hà Lan); các tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, IMF, WB, ILO, UNDP, WTO…).

 

Hội nghị Cấp cao G20 lần này sẽ xem xét triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới, những thách thức với kinh tế thế giới như thâm hụt tài khóa, nợ chính phủ, thời điểm rút các gói kích thích kinh tế...

 

Hội nghị cũng thảo luận các nội dung như triển khai khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, củng cố tài khóa, cải cách các thể chế tài chính quốc tế, cải cách các quy định tài chính, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư và chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy Vòng đàm phán Doha…