Bộ Chính trị ra Chỉ thị về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm

12:08, 27/07/2010

Ngày 22/7, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/T.Ư của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao.

 

Sau khi khẳng định những hiệu quả đã đạt được, Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ: Việc tổ chức các ngày kỷ niệm, trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị thiếu thống nhất, chưa khoa học, còn hình thức, phô trương và lãng phí. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng chưa đạt hiệu quả cao; chưa thật quan tâm chăm lo nâng  cao  đời  sống  vật  chất, văn hóa của nhân dân. Thời gian, tần suất tổ chức lễ kỷ niệm quá dày. Một số hoạt động kỷ niệm chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, làm giảm tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của sự kiện.

  

Trước tình hình nêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu: Về tổ chức các ngày kỷ niệm: Các ngày kỷ niệm trong nước gồm: Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), Ngày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7-5-1954), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890), Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945); ngày sinh, ngày mất của lãnh tụ, danh nhân; ngày thành lập, ngày truyền thống các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị, quận, huyện trực thuộc sự quản lý trực tiếp của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Một số ngày kỷ niệm khác như: Ngày Xô-viết Nghệ Tĩnh (12-9-1930), Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11-1940), Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), Ngày chiến thắng B52 (18-12-1972), Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về hòa bình ở Việt Nam, Ðông Dương (20-7-1954), Ngày ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973), Ngày Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc, ASEAN, WTO...), Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước.

 

Các ngày kỷ niệm quốc tế gồm: Ngày sinh C.Mác (5-5-1818), Ngày sinh Ph.Ăng-ghen (28-11-1820), Ngày sinh V.I.Lê-nin (22-4-1870), Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917), Ngày Quốc tế lao động, Ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Ngày Quốc tế người cao tuổi, Ngày biển quốc tế, Ngày môi trường thế giới...

Giảm tần suất, quy mô, cấp độ tổ chức các ngày lễ kỷ niệm. Ðối với các ngày kỷ niệm: Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch); Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); Ngày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7-5-1954); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890); Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945): Tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia 10 năm/1 lần (năm chẵn) ở cả cấp Trung ương và cấp địa phương có liên quan đến sự kiện. Không tổ chức diễu binh, diễu hành, duyệt binh trong các lễ kỷ niệm (khi cần thiết cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định). Kỷ niệm Ngày thành lập Ðảng, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tổ chức tại Hà Nội. Kỷ niệm năm chẵn các ngày lễ lớn và các ngày kỷ niệm khác tổ chức ở địa phương, bộ, ban, ngành gắn với sự kiện đó.

  

Kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của lãnh tụ, danh nhân, nhân vật lịch sử, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng, Nhà nước: Thời gian tổ chức kỷ niệm lần đầu là khi tròn 100 năm, các lần tiếp theo là 10 năm/1 lần, giao địa phương, nơi sinh của lãnh tụ, danh nhân... tổ chức.

 

Kỷ niệm năm chẵn: Ngày sinh C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin, Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo khoa học, tổ chức lễ kỷ niệm. Năm chẵn ngày kỷ niệm quốc tế khác, các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội liên quan tổ chức kỷ niệm.

 

Hằng năm, vào dịp các ngày kỷ niệm (năm tròn, năm lẻ), tuy không tổ chức lễ mít-tinh kỷ niệm nhưng phải tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền về các sự kiện đó trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động tuyên truyền ở địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan đến sự kiện kỷ niệm.

 

Không tổ chức lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao riêng mà kết hợp tổ chức cùng với các lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; không tổ chức diễu hành hoặc tổ chức đón rước khi nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước, các hình thức khen thưởng cao; không tặng quà và chiêu đãi; giảm bớt việc huy động quần chúng tham gia, khách mời dự lễ kỷ niệm; việc mời khách nước ngoài tham dự các hoạt động kỷ niệm phải được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Việc xây dựng, tôn tạo các công trình: tượng đài, nhà bảo tàng, nhà lưu niệm nhân dịp kỷ niệm sự kiện lịch sử thực hiện theo quy định của Ðảng và Nhà nước.

 

Việc tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao phải bảo đảm an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém; phải gắn kết với thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước; công tác nghiên cứu lịch sử và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân, nhất là ở những nơi diễn ra sự kiện lịch sử; tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước..