Hội thảo khoa học về Lịch sử công tác Dân vận

14:51, 08/07/2010

Tiến tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, sáng 8/7, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử công tác Dân vận Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên 1930-2010”.

 

Dự Hội thảo có các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tỉnh ủy, Ban Dân vận qua các thời kỳ, các Ban của Tỉnh ủy, Ban Dân vận các huyện, thành, thị, các ngành, đoàn thể.

 

Lịch sử công tác Dân vận được xây dựng gồm 6 chương, tương đương với 6 giai đoạn của lịch sử đất nước từ năm 1930 đến năm 2010 đó là: Chương I, công tác Dân vận trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945); Chương II công tác Dân vận trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954; Chương III, công tác Dân vận trong 10 năm sau ngày hòa bình lập lại (tháng 7-1954/ 6-1965); Chương IV công tác Dân vận trong thời kỳ cả nước trực tiếp kháng chiến chống Mỹ (7-1965-4/1975); Chương V, công tác Dân vận thời kỳ cùng đi lên chủ nghĩa xã hội (1976-1986) và Chương VI là công tác Dân vận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1997-2010).

 

Sau Hội thảo lần 1 được tổ chức vào tháng 3, Ban soạn thảo cuốn Lịch sử đã bổ sung các ý kiến đóng góp của các đại biểu, các đoàn thể của tỉnh vào dự thảo cuốn Lịch sử. Tại Hội thảo lần 2, các ý kiến đã tham gia đã thống nhất với nhận định đây là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, có ý nghĩa không chỉ trong hiện tại mà cho cả những bước phát triển tiếp theo của công tác Dân vận giai đoạn sau này. Về nội dung trình bày trong bản dự thảo lần này đã đề cập khá đầy đủ, cung cấp nhiều tư liệu cần thiết về lịch sử công tác Dân vận của Đảng bộ tỉnh trong suốt 80 năm qua; được trình bày mạch lạc, dễ hiểu. Phần phụ lục đã trình bày khá chính xác và chi tiết về nhân sự tham gia công tác Dân vận, có tính liên tục. Tuy nhiên, một số đóng góp cho rằng về thành tích cá nhân của các cán bộ đã từng làm công tác Dân vận của tỉnh đề cập vẫn còn thiếu. Cần bổ sung thêm một số hình ảnh hoạt động của công tác Dân vận và các đoàn thể nhân dân, danh mục tài liệu tham khảo và mục lục để tiện tra cứu, chú ý độ chuẩn xác của các số liệu, chỉnh sửa về bố cục....