Khẳng định vị thế Asean

07:52, 19/07/2010

Hôm nay (19-7), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 (AMM 43) cùng khoảng 20 hội nghị liên quan khác chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình - Hà Nội). Đây không chỉ là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10 tới, mà còn một lần nữa khẳng định vị thế của ASEAN trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

 

Diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang đẩy nhanh tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Hội nghị AMM 43 cùng các hội nghị liên quan lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định sự cần thiết của việc từng bước đưa Hiến chương vào cuộc sống cũng như tăng cường kết nối trong ASEAN. Không nằm ngoài chủ đề của Năm ASEAN 2010 là "Hướng tới Cộng đồng ASEAN - Từ tầm nhìn đến hành động", các hội nghị ASEAN lần này sẽ tập trung thảo luận chương trình hợp tác nhằm tăng cường và tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác phục vụ cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN; đồng thời phối hợp với các đối tác để đối phó với những thách thức toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, an ninh phi truyền thống gồm thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

 

Cùng với Thông cáo chung của Hội nghị AMM 43, hai văn kiện quan trọng dự kiến được ký trong dịp này là Nghị định thư về sửa đổi Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á; Chương trình Hành động Hà Nội nhằm triển khai Tầm nhìn của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) đến năm 2020 nhằm tạo ra kế hoạch và khuôn khổ hợp tác chung trong ARF. Cùng với đó, nhiều chương trình hành động trong giai đoạn mới như ASEAN - Canada, ASEAN - New Zealand, ASEAN - Ấn Độ... cũng sẽ được thông qua trong dịp này.

 

Một điểm nhấn của Hội nghị AMM 43 là tăng cường hợp tác giữa các nước Tiểu vùng Mekong với các đối tác của ASEAN. Trong đó, đáng chú ý là Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản lần thứ ba và Hội nghị Tiểu vùng Mekong - Mỹ lần thứ hai. Rõ ràng sự lớn mạnh của ASEAN trong những năm qua, hợp tác Tiểu vùng Mekong với sự góp mặt của Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đã được coi là một điển hình về mô hình hợp tác thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong khu vực. Tiểu vùng Mekong ngày càng trở thành điểm đến của các nhà đầu tư lớn trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ... Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đang nỗ lực cùng các thành viên hiệp hội thúc đẩy hợp tác tiểu vùng thông qua một loạt hoạt động trong khuôn khổ các Hội nghị Cấp cao ASEAN 2010 nhằm triển khai các cơ chế hợp tác hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho các nước Tiểu vùng nói riêng, ASEAN nói chung.

 

Một trong ba hoạt động chính trong khuôn khổ Hội nghị AMM 43 là Diễn đàn ARF 17. Với sự góp mặt của đại diện 25 quốc gia thành viên gồm 10 nước ASEAN, 10 nước đối tác, đối thoại của ASEAN và các quan sát viên, có thể thấy "Xúc tiến hòa bình và an ninh qua đối thoại và hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương" như khẩu hiệu mà diễn đàn này đề ra là một ưu tiên tại hội nghị này. Theo đó, ARF 17 sẽ tập trung bàn thảo các biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong ARF, trong đó có việc thực hiện hiệu quả các văn kiện Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực phi vũ khí hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ), Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC)... Đặc biệt, chuyến thăm lần thứ tư của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Đông Á trong vòng một năm qua, trong khuôn khổ ARF 17, cho thấy tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ASEAN, với tương lai của nước Mỹ. Vì thế, ngoài các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN và ARF, Ngoại trưởng H.Clinton sẽ tái khẳng định quyết tâm của Mỹ nhằm củng cố hợp tác trên các lĩnh vực với khu vực ASEAN.

 

Diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang tích cực triển khai các hoạt động kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập (8-8-1967), đặc biệt là 15 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 27/7/2010), thành công của Hội nghị AMM 43 và các hội nghị lần này không chỉ cho thấy sự đóng góp tích cực, chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam, mà còn góp phần khẳng định vị thế và ghi dấu ấn của ASEAN trên trường quốc tế.