Lễ kỷ niệm cấp Nhà nước 100 năm Ngày sinh Luật sư- Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính, sẽ diễn ra vào ngày 10/7/2010.
Lễ kỷ niệm được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, nhằm khẳng định những công lao đóng góp to lớn của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và đất nước.
Đây là dịp để tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tấm gương đạo đức trong sáng, suốt đời cống hiến, hy sinh vì nước, vì dân của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ.
Dự kiến, Lễ kỷ niệm sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt
Dịp này, một số hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức như Chiếu phim tư liệu và tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thảo về thân thế - sự nghiệp của Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Lai Châu xây dựng trường Tiểu học mang tên Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tại huyện Mường Tè.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, từng giữ những trọng trách như quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình viên chức nghèo tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Mới 11 tuổi, người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ đã xa gia đình một mình sang Pháp du học. Mặc dù hằng ngày tiếp xúc với văn minh phương Tây, nhưng người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ vẫn giữ được cốt cách con người Việt Nam, một dân tộc đang gồng mình chống lại ách thực dân.
Sau 11 năm du học ở Pháp, trở về nước với tấm bằng Cử nhân Luật hạng ưu, luật sư Nguyễn Hữu Thọ hành nghề luật sư trong những ngày cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp dìm trong bể máu. Những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cách mạng đã thức tỉnh lương tâm và trách nhiệm của trí thức trẻ yêu nước Nguyễn Hữu Thọ.
Bằng tấm lòng và kiến thức uyên bác về luật pháp, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã tìm mọi cách để bênh vực quyền lợi cho những người dân bị chính quyền thực dân và tay sai đàn áp, đặc biệt là những tổ chức, cá nhân hoạt động vì mục đích yêu nước.
Trước sau như một, dù bất cứ trong hoàn cảnh gian khổ, nguy hiểm cỡ nào, vào tù ra khám, bị lưu đày khổ đau tới đâu, con người miền Nam này vẫn ngoan cường, kiên trung cùng với dân, với Đảng quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đóng góp công lao to lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị, hợp tác, bảo vệ hòa bình và tiến bộ trên thế giới.
Khi là một trí thức có tầm cỡ, giải thích hành động yêu nước của mình, luật sư Nguyễn Hữu Thọ nói một cách giản dị: "Ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Nhà trí thức không thể nghĩ khác, làm khác".
Nhận xét về luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: "Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vươn khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính".