Nhà báo lão thành Hoàng Tùng với Thái Nguyên

19:33, 01/07/2010

Vào hồi 15 giờ 20 phút ngày 29/6, Nhà báo lão thành Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn (nay là Ban Tuyên giáo) Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhà lý luận sắc sảo, người tổ chức và quản lý báo chí có năng lực, một trong những người có công đóng góp vào việc đào tạo nhiều nhà báo tên tuổi, đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 91 tuổi.

Với các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam, tin Nhà báo lão thành Hoàng Tùng đã ra đi gây bàng hoàng lớn, dù biết ông bị bệnh nặng đã lâu.

Với mảnh đất Thái Nguyên, Nhà báo lão thành Hoàng Tùng là người đã từng gắn bó trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Và bài báo nhỏ này, với mong muốn được góp phần ôn lại những kỷ niệm về nghề báo của Nhà báo lão thành Hoàng Tùng trong những tháng ngày ông sống, hoạt động cách mạng tại Thái Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, do Nhà báo kể lại trong chuyến về thăm lại ATK Định Hóa nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (tháng 4-2005), xin được thay một nén tâm nhang kính viếng hương hồn ông.

 

Dịp ấy, đã 85 tuổi, nhớ lại những tháng ngày đầy gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng trên mảnh đất Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Nhà báo lão thành Hoàng Tùng bồi hồi kể lại: Trước và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên đã hai lần trở thành An toàn khu (ATK) của các cơ quan Trung ương. Cùng với Tuyên Quang và Bắc Kạn, Thái Nguyên đã nhiều năm là Thủ đô kháng chiến. Vùng rừng núi nhỏ bé này đã mở rộng vòng tay đón hàng vạn cán bộ lên đây sống, làm việc trong điều kiện hết sức thiếu thốn, khó khăn, đến măng rừng, rau rừng cũng phải san sẻ. Cán bộ phải ở phân tán trong dân, rất ít cơ quan làm được lán chung...

 

Đặc biệt, đứng tại nhà anh Triệu Đình Âu, ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc (Định Hóa), nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam vào tháng 4-1950, những kỷ niệm về nghề báo, về hoạt động báo chí trong thời kỳ này được Nhà báo kể lại đã khiến tất cả người nghe đều xúc động rưng rưng. Ông nói: Ngày 21-4-1950, Đại hội lần thứ nhất Hội Những người viết báo Việt Nam (sau này là Hội Nhà báo Việt Nam) đã khai mạc tại đây với hơn 180 đại biểu, có 10 nhà báo được bầu vào Ban Chấp hành Hội, do Nhà báo Xuân Thủy làm Hội trưởng. Đây là sự kiện ghi mốc son trong sự nghiệp phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Vào thời điểm đó, cả nước đã có nhiều tờ báo được xuất bản, phục vụ cho từng chiến trường, từng địa bàn. Đã nửa thế kỷ trôi qua nhưng Nhà báo Hoàng Tùng còn nhớ chính xác tên tuổi của những người trong Ban Chấp hành Hội năm ấy, rồi ông không khỏi bùi ngùi, xúc động khi trong số ấy đến giờ nhiều người đã không còn nữa. Và ông là người duy nhất trong Ban Chấp hành Hội lúc đó có mặt tại đây, vào giờ phút này.

 

Rồi ông kể tiếp những bài học quý báu về nghề báo mà Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh đã rèn giũa cho những người làm báo như ông khi ở Thái Nguyên. Ông bảo: Bác Hồ là người chủ trương làm Cách mạng thông qua việc viết báo. Thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam cũng chính là sáng kiến của Bác. Bác thường xuyên trực tiếp viết cho Báo Nhân Dân về rất nhiều chủ đề, từ chính trị, quân sự đến văn hoá, xã hội… Đặc biệt, Bác hay bàn về đạo đức cách mạng, chỉ trích những biểu hiện tiêu cực với bút pháp châm biếm sâu sắc, dí dỏm. Viết để biểu dương gương người tốt, việc tốt cũng là do Bác khởi xướng. Bác đọc báo rất kỹ, nhận xét xác đáng từ tư tưởng đến chi tiết, từ ngữ. Một lần gặp Bác trên đất Thái Nguyên, ông nói vui với Bác: “Bác lại sắp xát xà phòng đây”(!?). Bác  cười: “Không, hôm nay tôi biểu dương. Các báo đã viết “Chữ Thập Đỏ” chứ không dùng “Hồng Thập Tự” nữa. “Chữ Thập Đỏ” mới đúng là tiếng Việt chứ”!... Chuyện sống và làm báo ở ATK Thái Nguyên là như vậy. Hồi đó, nhà in Báo Nhân Dân nằm ở Đèo Khế, cách ATK đến chừng 30km, mỗi lần mang bài đi in mất cả buổi, phải lội suối trèo đèo. Mấy lần đang đi gặp mưa rừng, bị lũ cuốn, tôi phải đội bài lên đầu, quấn khăn, quấn nilon bơi qua suối...

 

 Nhà báo lão thành  Hoàng Tùng trả lời phỏng vấn các nhà báo trẻ tại Thái Nguyên. Ảnh: Nguyễn Bắc Son

 

Những năm còn khoẻ, Nhà báo lão thành Hoàng Tùng đã trở lại thăm Thái Nguyên, thăm ATK Định Hóa nhiều lần. Mấy năm gần đây, do tuổi cao sức yếu, ông ít có dịp trở lại. Nhưng trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí vào tháng 2/2007, Nhà báo cho biết ông vẫn luôn quan tâm đến mảnh đất Thái Nguyên. Ông bảo: Nghe anh em nói Thái Nguyên đã phát triển nhiều lắm, đời sống bà con khấm khá, tôi rất mừng. Thái Nguyên đã anh dũng, tận tuỵ, hy sinh trong kháng chiến; bà con Thái Nguyên đã chịu nhiều gian khổ. Nay Thái Nguyên phải được phát triển, bà con Thái Nguyên phải được ấm no. Đó là nguyện ước của tôi đối với bà con Thái Nguyên, nơi đã từng cưu mang chúng tôi trong kháng chiến...

 

Nhà báo lớn Hoàng Tùng đã đi xa, để lại cho gia đình, đồng chí, đồng nghiệp và bạn bè niềm tiếc thương vô hạn. Trong bài báo “Vô cùng thương tiếc anh Hoàng Tùng!” đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 1-7-2010, Nhà báo lão thành Hồng Hà đã viết: “Sau anh Trường Chinh, anh Hoàng Tùng là cây bút chính luận xuất sắc của Báo Nhân Dân và làng báo nước ta. Những bài anh viết, ký tên tập thể Báo Nhân Dân, nhất là ở những bước ngoặt lớn của cách mạng và những sự kiện quan trọng, đậm những lý lẽ sắc bén, đầy sức thuyết phục, đem lại niềm tin ở thắng lợi của cách mạng và cả sự hả hê cho người đọc.”... “Anh Hoàng Tùng từ giã cõi đời này, nhưng như anh hằng tin tưởng, sự nghiệp cách mạng nước ta luôn căng sức thanh xuân và luôn nở lộc, đơm hoa. Chúng tôi tiếp tục con đường mà anh đã chọn và cống hiến hết mình. Một đại thụ của làng báo Việt Nam không còn tỏa bóng. Một bộ óc tinh hoa của Đảng đã ngừng vận hành. Vô cùng thương tiếc anh Hoàng Tùng! Mãi mãi giữ trong tim hình ảnh mến yêu của anh!

 

Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ và tri ân anh Hoàng Tùng, người Thầy lỗi lạc trong nghề báo của chúng tôi”.

 

Với thế hệ làm báo trẻ chúng tôi, những bài học quý từ các tác phẩm báo chí, các cuốn sách của ông, và cả qua những câu chuyện được nghe kể về cuộc đời hoạt động báo chí cách mạng của ông, đã, đang và sẽ tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi ngày càng trưởng thành hơn trong nghề, có thể kế tục xứng đáng sự nghiệp của “những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng” mà lớp lớp các thế hệ làm báo cách mạng cha anh đi trước đã dầy công gây dựng, vun đắp.

 

Một nén nhang lòng kính cẩn tưởng nhớ ông - Nhà báo lão thành Hoàng Tùng.