Phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành

15:04, 31/07/2010

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ngày 01/8/1930 Ban Cổ động tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu ''Ngày Quốc tế đỏ 01-8'' nhân dịp kỷ niệm ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân,...  

 

Tài liệu vừa phát hành đã có tiếng vang rất lớn và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên chống chiến tranh, ủng hộ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 01/8 trở thành một mốc son lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một hoạt động có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng. Với ý nghĩa chính trị to lớn đó, năm 2000, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã quyết định lấy ngày 01-8 hàng năm làm Ngày truyền thống của Ngành công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) đã quyết định lấy ngày 01-8 hàng năm là Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

 

Cơ quan tham mưu của Đảng về công tac tuyên giáo từng thời kỳ, từng giai đoạn có khác nhau về tên gọi: từ Ban Cổ động và Tuyên truyền (1930 - 1945); Ban Tuyên truyền và Giáo dục Trung ương (1950); Ban Tuyên huấn Trung ương (1951) đến Ban Tuyên giáo Trung ương (1959)... và Ban Tuyên giáo Trung ương (2007). Ban Tuyên huấn của tỉnh Thái Nguyên được thành lập vào tháng 3/1948 do đồng chí Ngô Nhị Quý, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ làm Trưởng Ban. Đầu năm 1949, Ban Tuyên huấn tách ra thành Ban Tuyên truyền và Ban Huấn học; đến tháng 4/1951 lại sáp nhập thành Ban Tuyên huấn và đến ngày 02/8/1960 thành lập Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thay cho Ban Tuyên huấn... Cho dù tên gọi ở mỗi thời kỳ có khác nhau, song về cơ bản, Ban Tuyên giáo là cơ quan tham mưu trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, lịch sử… và cũng là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác đó.

 

Truyền thống vẻ vang của công tác Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên khởi đầu từ thời kỳ Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân. Cuối năm 1936, cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh được thành lập tại xã La Bằng, huyện Đại Từ. Cơ sở Đảng ra đời là một bước ngoặt lớn, vô cùng quan trọng của phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, từ đây, đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Đảng nhanh chóng lan truyền sang các địa phương trong tỉnh. Trong thời kỳ 1939 - 1945, mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp, phát xít Nhật và bọn tay sai vô cùng gay gắt. Công tác Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên thời kỳ này tập trung vào truyên truyền, giác ngộ, giáo dục, động viên, tập hợp quần chúng, xây dựng lực lượng và phong trào cách mạng, khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng bộ phận tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tháng 8/1945.

 

Giai đoạn 1945 - 1954, cách mạng mới thành công, chính quyền còn non trẻ giữa vòng vây thù trong, giặc ngoài, nạn đói diễn ra gay gắt, ngân sách cạn kiệt, Đảng phải tạm thời rút vào hoạt động bí mật... Công tác tư tưởng của tỉnh Thái Nguyên thời kỳ này đã tập trung vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, bài trừ nội phản, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân; xây dựng và bảo vệ vững chắc An toàn khu của Trung ương, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến; giải thích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc quán triệt sâu sắc, tích cực hưởng ứng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh; tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi...

 

Giai đoạn 1955 - 1975, công tác Tuyên giáo tập trung phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ trong cả nước. Ở giai đoạn này, công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đã đóng vai trò trọng yếu trong việc khơi dậy ý chí và sức mạnh trong quần chúng, tập hợp lực lượng, phát động và nhân rộng phong trào thi đua yêu nước. Các phong trào thi đua “Vượt gió Đại Phong” trong các hợp tác xã nông nghiệp, “Giành cờ Ba Nhất” trong các đơn vị quân đội, “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Ba đảm đang” trong Hội phụ nữ... được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với quyết tâm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

 

Sự nghiệp đổi mới đạt được thành quả như hôm nay, công tác Tuyên giáo không phải lúc nào cũng gặp những thuận lợi, nhất là từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, đã tác động tiêu cực đến tư tưởng trong nước, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân giảm sút niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thậm chí có người còn tỏ ra sám hối, quay lưng lại với sự nghiệp đổi mới. Trải qua sự thử thách nghiệt ngã của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong những năm 90 của thế kỉ XX, càng chứng tỏ bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới. Bạn bè quốc tế đánh giá rất cao đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, coi đó là sự lựa chọn phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử.

 

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đã khẳng định: “Qua các thời kỳ cách mạng, nhờ định hướng tư tưởng đúng và kịp thời nên công tác tư tưởng đã góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, khẳng định và bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; gắn kết chặt chẽ hơn với những nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, vu cáo Đảng, Nhà nước ta”.

 

Trong gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, công tác Tuyên giáo của tỉnh ta đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, tập trung công sức, trí tuệ chỉ đạo các cuộc sinh hoạt chính trị to lớn, đặc biệt là tổ chức thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khoá X, trong đó có các nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết Trung ương 3 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Nghị quyết Trung ương 5 “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”; Nghị quyết Trung ương 7 về “Tăng c­ường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất n­ước”, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”; Nghị quyết 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn tỉnh; triển khai Đề tài khoa học: "Nghiên cứu một số giải pháp nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2015"; tổ chức nghiên cứu, biên soạn và hoàn thành Đề tài khoa học “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập II (1965 - 2000)”; “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ”, "Lịch sử công tác tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1930 - 2010)"; triển khai thực hiện Quyết định số 1853-QĐ/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về Ban hành Quy chế giảng dạy và học tập của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện; hướng dẫn, kiểm tra, định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý công tác xuất bản, văn hoá, văn nghệ, các cơ quan thông tin, tuyên truyền của địa phương.

 

Ngoài ra, công tác Tuyên giáo còn hướng vào nhiệm vụ tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3… Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm đã cổ vũ, động viên, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của Đảng và nhân dân, xây dựng lòng tự hào và tự tôn dân tộc về các giá trị cao đẹp của nền văn hiến Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử… Trên cơ sở đó củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Hiện nay, cùng với  việc tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2010 và kế hoạch 5 năm (2005 - 2010), công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh đang hướng trọng tâm vào nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tuyên truyền Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III của tỉnh tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII; thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đảng; Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…

 

Kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng, tự hào là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hoá, nhiệm vụ của chúng ta rất vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề. Thời gian tới, mỗi cán bộ làm công tác Tuyên giáo cần không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt những nhiệm vụ sau đây:

 

Một là, cần nhận thức rõ hơn, sâu hơn về bối cảnh và những đặc điểm mới tác động đến công tác Tuyên giáo trong giai đoạn hiện nay. Chủ động, nỗ lực đi trước một bước để dự báo, đề xuất và tham gia tích cực, giải quyết những vấn đề mới của thực tiễn. Luôn nêu cao cảnh giác và tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu phản động của các thế lực thù địch, gây chia rẽ nội bộ, tung tin thất thiệt, vu khống bôi nhọ cán bộ, nhất là vào các thời điểm nhạy cảm, trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

 

Hai là, đề cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo. Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ và khẳng định quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc.

 

Ba là, đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng đối với công tác Tuyên giao. Cần nhất quán quan điểm công tác Tuyên giáo là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, trước hết là cấp uỷ và đồng chí bí thư cấp uỷ, của cả hệ thống chính trị với sự tham gia, đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, đây là công tác đối với con người, là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm, giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

 

Bốn là, đẩy mạnh định hướng, tuyên truyền các giải pháp bình ổn giá, chống lạm phát của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô. Tập trung tuyên truyền sâu rộng quan điểm, mục tiêu, đường lối, chủ trương, chiến lược, sách lược của Đảng và Nhà nước, của tỉnh ta về các định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

 

Năm là, triệt để thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Sáu là, thực hiện phương châm công tác Tuyên giáo hướng về cơ sở, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; sát đối tượng nông dân, công nhân, trí thức, thanh niên, đồng bào dân tôc thiểu số; tăng cường đối thoại, tranh luận cởi mở mang tính xây dựng; trực tiếp giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống. Hết sức coi trọng việc phát hiện, biểu dương, nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến.

Phát huy truyền thống vẻ vang 80 năm qua của ngành Tuyên giáo, với sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo; thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mơi làm tròn nhiệm vụ của Đảng", những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng bộ tỉnh không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển...