Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN. Sự kiện này là bước ngoặt quan trọng, xác lập vị thế của Việt Nam trong khu vực. Đối với ASEAN, việc kết nạp Việt Nam cũng đã mở ra một trang mới trong lịch sử của khối.
Hội nghị ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 28 diễn ra ở Brunei đúng ngày này cách đây 15 năm đã trở thành dấu mốc quan trọng khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN. Dấu mốc quan trọng bởi nó góp phần chấm dứt tình trạng chia rẽ, đối đầu giữa hai khối ASEAN và Đông Dương hình thành dưới thời Chiến tranh lạnh, mở ra thời kỳ mới cho sự hợp tác hữu nghị láng giềng và hội nhập khu vực, củng cố vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.
Sự tham gia của Việt Nam vào ASEAN đã mở đường cho Lào, Campuchia và Myanmar tham gia vào tổ chức này để hoàn thành ước mơ được đề cập trong văn kiện khai sinh ra ASEAN đó là Tuyên bố Bangkok năm 1967 về việc xây dựng ASEAN thành nơi quy tụ của tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Việc tất cả 10 nước Đông Nam Á cùng tập hợp dưới mái nhà ASEAN đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa các nước trong khu vực. Mà ở đó, tinh thần đoàn kết, hợp tác, thân thiện và cùng có lợi trở thành nền tảng chính của các mối quan hệ.
Kể từ khi trở thành thành viên của ASEAN, Việt Nam dã đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện các chủ trương, chính sách chung. Việt Nam chính là thành viên đã đưa ra sáng kiến xây dựng Cộng đồng văn hóa – xã hội, và là Quốc gia đưa ra ý tưởng và nhiều biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nước thành viên, phát triển tiểu vùng sông Mekong và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Sự tham gia của Việt Nam vào ASEAN cũng đã góp phần to lớn mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác của ASEAN với bên ngoài. Việt Nam có vai trò không thể phủ nhận trong việc thúc đẩy ASEAN mở rộng thêm mối quan hệ với các đối tác như với Nga, Ấn Độ và Liên minh châu Âu. Với vị trí địa chiến lược và sự phát triển năng động, Việt Nam đã đóng vai trò không nhỏ trong cân bằng chiến lược và ảnh hưởng giữa các nước lớn, mà cụ thể là cân bằng chiến lược Mỹ- Trung. Vai trò này có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì hoà bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở Đông Nam Á, châu Á- Thái Bình Dương và thế giới. Vị thế ASEAN, của Việt Nam cũng bởi vậy được xác lập và không ngừng được nâng cao.
Gia nhập ASEAN Việt Nam cũng thu được nhiều lợi ích, đưa Việt Nam hội nhập về kinh tế với khu vực và quốc tế. Tham gia ASEAN cũng đã mở ra bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế. Sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế lớn và có uy tín như Diễn đàn Á- Âu, APEC và gần đây là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việc là thành viên của ASEAN cũng giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại với các nước láng giềng.
Đánh giá được những giá trị và ý nghĩa đó, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động và là thành viên có trách nhiệm trong “gia đình ASEAN”. Năm 2010 ghi một dấu ấn quan trọng khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của tổ chức này nhằm toạ thêm xung lực, thúc đẩy ASEAN tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015./.