Xứng đáng là “người dẫn chương trình của Đảng”

09:01, 30/07/2010

“Người dẫn chương trình của Đảng” - đó là cách gọi trìu mến của người dân huyện Đại Từ khi nói về những cán bộ Tuyên giáo hoạt động trên địa bàn. Anh Vũ Quyết Tiến, xã Mỹ Yên giải thích: Sở dĩ chúng tôi gọi cán bộ Tuyên giáo như vậy bởi họ là những người nắm chắc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phát hiện, dự báo đúng xu hướng tư tưởng để tìm chọn những phương thức thích hợp, không để phát sinh những điểm nóng ở cơ sở.

Theo đánh giá của các đồng chí lãnh đạo huyện Đại Từ thì những năm gần đây, công tác Tuyên giáo đã luôn bám sát kế hoạch đề ra. Việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chuyên đề được hoàn thành nhanh chóng, công tác giáo dục chính trị tư tưởng được thường xuyên quan tâm. Hoạt động của đội ngũ báo cáo viên từ huyện đến xã có sự đổi mới đem lại hiệu quả bước đầu. Nhờ đó, công tác Tuyên giáo đã góp phần tích cực vào sự ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Gần đây, chuyện người dân hiến đất để mở đường đã trở thành phong trào phát triển sâu rộng trên địa bàn huyện. Từ phong trào này, nhiều tuyến đường liên xã, thôn, xóm đã được khởi công xây dựng góp phần thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Trong vòng 3 năm (2007-2009), gần 3 nghìn hộ dân đã hiến hàng chục ha đất trị giá hàng chục tỷ đồng cho thi công các tuyến đường. Để có được những con số ấn tượng này, lãnh đạo địa phương không thể phủ nhận vai trò của công tác tuyên giáo trong việc định hướng tuyên truyền, vận động nhân dân. Anh Triệu Văn Đô, xóm Non Bẹo, xã La Bằng cho biết: Cuối năm 2009, xã La Bằng triển khai vận động nhân dân hiến đất thi công tuyến đường giao thông liên xã Hoàng Nông - La Bằng. Lúc đầu nhiều người dân trong xóm tôi rất băn khoăn, nhưng khi được cán bộ tuyên giáo và các đoàn thể đến tuyên truyền, vận động, người dân chúng tôi đã nhận thức được đây là cơ hội để nhân dân trong xóm có đường giao thông đi lại thuận lợi phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế. Vì vậy, tôi đã vận động gia đình hiến trên 1 nghìn m2 đất các loại bao gồm đất thổ cư, đất chè, đất lúa cho Nhà nước làm đường. Ngoài việc hiến đất làm đường, gia đình tôi còn chú trọng phát triển kinh tế hộ để đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, tham gia tích cực hoạt động trong các đoàn thể của xóm như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Là người đã nhiều năm gắn bó với công tác tuyên giáo, đồng chí Hoàng Xuân Ninh, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Đại Từ tâm sự: ---ứng với mỗi thời kỳ lịch sử, người cán bộ tuyên giáo đều phải xác định rõ nội dung vận dụng cho từng đối tượng, từng hoàn cảnh, từng thời điểm cụ thể. Muốn vậy, người cán bộ tuyên giáo phải nghiên cứu sâu, tìm ra phương pháp phù hợp, tức là phải sáng tạo, không dập khuôn, máy móc.

Chị Dương Hồng Vân, cán bộ Ban Tuyên giáo huyện Đại Từ tâm sự: Là một cán bộ trẻ mới vào công tác trong ngành được 2 năm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công việc nhưng tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được đứng trong hàng ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng. Trong thời gian tới, tôi sẽ phấn đấu không ngừng học tập, rèn luyện, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để tích luỹ kiến thức, nâng cao trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trên địa bàn để triển khai công tác tư tưởng, đặc biệt là việc cung cấp, xử lý, định hướng thông tin, tăng cường thông tin hai chiều. Đồng chí Lê Duẩn từng nhắc nhở: “Không lĩnh vực nào cần sự sáng tạo như lĩnh vực công tác tuyên giáo; Nghị quyết của Đảng để trong túi, song phải biết cách nói cho quần chúng hiểu”. Mà công tác tuyên giáo không chỉ đơn thuần là tuyên truyền, nó là sự liên kết gắn bó giữa các hình thái: tuyên truyền, khoa giáo, lịch sử và giáo dục lý luận chính trị, kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn học - nghệ thuật trên các phạm vi xã hội. Tất cả đều tác động vào tư tưởng, tình cảm của cán bộ và quần chúng nhân dân.