Bài học về vận dụng thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám hoàn toàn có thể áp dụng vào công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta hôm nay. Chúng ta phải lấy gốc rễ từ việc bồi dưỡng thực lực của chính mình, biết sáng tạo ra thời cơ và tận dụng thời cơ.
Tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại cho Đảng và dân tộc ta nhiều bài học quý báu, trong đó có bài học về dự đoán chính xác thời cơ và nắm đúng thời cơ trong những bước ngoặt lịch sử của cách mạng. Bài học đó vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, trước bối cảnh thế giới và đất nước hiện nay có nhiều biến đổi lớn lao.
Trong câu chuyện với PGS-TS Phạm Xanh thuộc khoa Sử, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn về thời cơ của Cách mạng Tháng Tám, ông cứ nhắc đi nhắc lại 2 câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong tù “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí. Gặp thời, một tốt cũng thành công”. Ông cho rằng, đó là sự khái quát suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc nắm bắt thời cơ. Chọn đúng thời cơ là một khoa học và một nghệ thuật. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945.
PGS-TS Phạm Xanh nói: “Khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, đêm hôm đó, TW Đảng ta họp phiên mở rộng và ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đảng ta đã dự báo 2 thời cơ có thể tạo ra một cơ hội vàng để nhân dân ta đứng dậy giành chính quyền. Cơ hội thứ nhất là: quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương để đánh Nhật và cơ hội thứ hai là phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Cuối cùng, khả năng thứ hai đã xảy ra, phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh”.
Trên thực tế, thời cơ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn - từ sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước lúc quân Đồng minh tiến vào nước ta giải giáp quân Nhật, tức là từ ngày 15/8 đến ngày 5/9/1945.
PGS-TS Phạm Xanh khẳng định, lịch sử đã chứng minh rằng, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, không thể lấy thời điểm nào khác ngoài thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chọn. Chính vì phát hiện được thời cơ, nắm bắt được thời cơ, biến thời cơ thành sức mạnh vật chất, Đảng đã phát động cuộc khởi nghĩa trong toàn quốc và giành thắng lợi chỉ trong 10 ngày. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang nhanh gọn nhất, ít tổn thất nhất, nhưng thành quả thật vô cùng to lớn.
Cơ hội đó không phải quốc gia nào cũng tận dụng được: “Đó là yếu tố khách quan, nó tác động đến tất cả các nước ở khu vực có bị phát xít Nhật chiếm đóng như Trung Quốc,
Bài học thời cơ của Cách mạng Tháng Tám đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo, đưa cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đến toàn thắng, giành độc lập trọn vẹn cho cả nước, đưa nước ta vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế ngày nay, bài học về nắm bắt thời cơ vẫn mang tính thời sự nóng hổi. GS-TS Vũ Văn Hiền, Uỷ viên TW Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN cho rằng: “Chúng ta đã ra khỏi chiến tranh, ra khỏi sự kiệt quệ kinh tế và đang trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh trên thế giới. Chúng ta có dân số đông, có nền chính trị ổn định, có quan hệ đối ngoại với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, xu thế của thế giới là toàn cầu hoá kinh tế, phát triển kinh tế tri thức. Nhiều chế độ xã hội cùng tồn tại, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Vậy, bài học về thời cơ của Cách mạng tháng Tám sẽ được sử dụng như thế nào?
GS-TS Vũ Văn Hiền nhấn mạnh: “Trong Cách mạng tháng Tám, có một khẩu hiệu “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" đã rất nổi tiếng. Do dự đoán được tình huống có thể xảy ra, Đảng ta đã chỉ đạo rất chính xác, tiến hành khởi nghĩa tháng Tám. Trong điều kiện hiện nay, không có những tình huống cách mạng như xưa. Vì vậy trong thời kỳ mới, chúng ta phải nhìn trước trông sau, đoán định các tình huống phát triển của thế giới, biết được các lực lượng thế giới, biết được các mâu thuẫn trong thế giới, biết được mặt thuận, mặt nghịch trong thế giới hiện nay, từ đó đưa ra những bài toán để phát triển tốt và giải được những vấn đề đang đặt ra”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một kỳ tích trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Theo Trung tướng, GS Trần Xuân Trường, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự - Bộ Quốc phòng, bài học về vận dụng thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám hoàn toàn có thể áp dụng vào công cuộc xây dựng đất nước của nhân dân ta hôm nay.
Tuy nhiên, tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và xây dựng một xã hội là những mặt trận khác nhau, có những quy luật không giống nhau. Nhưng xét đến cùng, cả hai sự nghiệp đó đều phải lấy gốc rễ từ việc bồi dưỡng thực lực của chính mình, biết sáng tạo ra thời cơ và tận dụng thời cơ. Trên mặt trận xây dựng, thời cơ có thể không chỉ đến một lần mà có thể đến nhiều lần, "thực không nên bỏ lỡ"!./.