Chiếc nồi đồng nấu cơm cho đội du kích Cao Sơn

08:26, 17/08/2010

Theo dấu sự kiện lịch sử, các cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Thái Nguyên đã được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Đăng cung cấp thông tin và đưa đến  gia đình ông Triệu Tiến Phú, dân tộc Dao, ở xã Quân Chu (Đại Từ) để vận động gia đình cho sưu tầm kỷ vật chiếc nồi đồng dùng nấu cơm nuôi giấu các chiến sĩ đội du kích Cao Sơn hoạt động cách mạng thời kỳ trước năm 1945.

 

Kỷ vật chiếc nồi đồng thuộc loại cỡ to, hiện nay đáy đã bị thủng một phần, nặng 7,5kg, chiều cao là 25cm, đường kính miệng 45cm, chu vi phần miệng 144cm, đường kính đáy 58cm, chu vi đáy 177cm. Kỷ vật này gắn với sự kiện lịch sử thời kỳ tiền khởi nghĩa trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Tại khu vực Lán Than, nơi rừng rậm nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo hoang vu, có 5 anh em gồm: ông Thạch Sơn (tên thật là Nguyễn Huy Minh); ông Tam Sơn (tên thật là Nguyễn Huy Mục, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là Bí thư Huyện ủy Đại Từ); ông Kim Sơn (tên thật là Nguyễn Huy Văn, sau này là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, từng công tác ở Bộ Tổng Tham mưu); ông Ngân Sơn (tên thật là Nguyễn Huy Tân) và ông Mai Sơn (tên thật là Nguyễn Huy Kha) là những thanh niên yêu nước, đều quê ở Tam Đảo, vượt núi sang địa bàn huyện Đại Từ hoạt động tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng. Lúc đầu các ông ở trong rừng rậm, làm lò đốt củi lấy than để bán cho Pháp nhằm dò la tin tức, tìm cách liên hệ mua vũ khí của giặc, khoảng đầu năm 1945 đã gây dựng được cơ sở cách mạng ở Quân Chu để hoạt động du kích, tuyên truyền bí mật.

 

Sau khi quân cách mạng chiếm được huyện Đại Từ (tháng 8/1945), chỉ huy Việt Minh đã cử một tổ công tác do đồng chí Trường Sơn phụ trách nhận mệnh lệnh từ huyện lỵ đến liên lạc với cơ sở cách mạng ở xã Cát Nê (đang hoạt động du kích bí mật, do đồng chí Thái Sơn phụ trách) và liên lạc với cơ sở cách mạng ở Quân Chu. Ba nhóm đã được sáp nhập lại thành đội du kích Cao Sơn, do đồng chí Trường Sơn làm đội trưởng, đồng chí Thái Sơn làm đội phó, tất cả các đội viên đều lấy tên là Sơn, hoạt động mạnh ở phía Tây Nam huyện Đại Từ. Dựa vào núi rừng Tam Đảo che chở, đội du kích Cao Sơn với lực lượng 44 người tham gia đã lập được nhiều chiến công trong việc đánh quân phát xít Nhật, thu vũ khí đầu hàng của quân đội Pháp, gây được tiếng vang mạnh mẽ trên một vùng rộng lớn thuộc chân núi Tam Đảo. Từ phong trào hoạt động du kích ở xã Quân Chu và xã Cát Nê, lực lượng ngày càng phát triển, lan nhanh đến các xã Ký Phú, Văn Yên, Vạn Thọ, La Bằng, Mỹ Yên của huyện Đại Từ và một số xã tiếp giáp thuộc địa bàn huyện Phổ Yên. Sau đó đồng chí Trường Sơn được điều về Ủy ban giải phóng huyện Đại Từ. Đội du kích Cao Sơn được bổ sung lực lượng và trở thành Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái do đồng chí Thạch Sơn làm đội trưởng, được đồng chí Lê Trung Đình trực tiếp chỉ đạo. Khi quân và dân ta giành được chính quyền cách mạng ở Thái Nguyên (tháng 8/1945), đồng chí Lê Trung Đình được bầu làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến lâm thời tỉnh Thái Nguyên…

 

Trở lại thời kỳ trước đó, tại địa bàn xã Quân Chu, đội du kích Cao Sơn đã xây dựng được phong trào cách mạng phát triển mạnh và giác ngộ đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng tích cực ủng hộ cho du kích hoạt động bí mật. Trong đội du kích Cao Sơn có ông Triệu Phú Nghiêm, người dân tộc Dao, tham gia hoạt động cách mạng tích cực. Gia đình ông đã dùng chiếc nồi đồng nói trên nấu cơm nuôi giấu các chiến sĩ du kích hoạt động bí mật trong thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945. Chiếc nồi đồng này đã được gia đình gìn giữ như một kỷ vật gắn với quá trình phát triển của đội du kích Cao Sơn, sau đó trở thành Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái - là một bộ phận của Việt Nam giải phóng quân - đã góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước. Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi. Đến năm 1961, gia đình ông Triệu Phú Nghiêm - người đội viên du kích Cao Sơn năm xưa - đã vinh dự được nhận phần thưởng cao quý do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng: Huân chương Kháng chiến hạng Ba (ông Nghiêm đã mất năm 1953)…

 

Kỷ vật chiếc nồi đồng ông Triệu Phú Nghiêm để lại đã được người con trai là ông Triệu Tiến Phú (sinh năm 1932) gìn giữ rất cẩn thận trong suốt mấy chục năm qua. Đến nay, gia đình ông Triệu Tiến Phú đã nhất trí giao lại kỷ vật này cho Bảo tàng Thái Nguyên để trở thành một hiện vật gốc có giá trị lịch sử cách mạng rất quan trọng, được gìn giữ, bảo quản, trưng bày nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chúng tôi cũng được biết thêm, đến nay gia đình ông Triệu Tiến Phú chưa được giải quyết chế độ chính sách của Nhà nước liên quan đến người cha của ông. Do vậy rất mong các cấp chính quyền và cơ quan chức năng quan tâm xem xét việc này để gia đình ông được hưởng chế độ chính sách theo đúng quy định.