Chủ động, sáng tạo nâng tầm ngoại giao lên một bước mới

08:19, 27/08/2010

Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời đại diện cho Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời vào ngày 28/8/1945. Đây cũng là ngày Bộ Ngoại giao được thành lập, do tầm quan trọng của công tác ngoại giao nên Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm luôn Bộ trưởng Ngoại giao. Đã 65 năm trôi qua, đất nước trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, ngành Ngoại giao đã không ngừng trưởng thành và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

 

Nhớ lại thời kỳ đầu mới thành lập (giai đoạn 1945-1946), Nhà nước độc lập vừa ra đời, đứng trước vô vàn thử thách. Có thể nói nước ta lúc đó, trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam đã thực hiện những sách lược hết sức đúng đắn, khôn khéo vừa kiên quyết vừa linh hoạt để giữ vững Nhà nước độc lập non trẻ. Giai đoạn 1947-1954: sau ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bộ Ngoại giao chuyển lên an toàn khu (ATK) ở Việt Bắc. Ngoại giao đã phối hợp với chiến trường, đấu tranh chính trị chủ động triển khai hoạt động Quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, đặc biệt là hình thành liên minh chiến đấu với Lào, Campuchia chống kẻ thù chung; xây dựng quan hệ với Thái Lan, Miến Điện, Indonesia, Ấn Độ… Tranh thủ thuận lợi do thắng lợi của chiến dịch biên giới đưa lại, ngoại giao đã thành công thúc đẩy Thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại với Việt nam. Đầu năm 1950, lần đầu tiên chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở châu Á, Đông Âu. Các nước xã hội chủ nghĩa đã trở thành chỗ dựa quan trọng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phối hợp với mặt trận quân sự, Việt Nam đã tham gia Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương, buộc các nước lớn công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương, giải phóng được miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.Giai đoạn 1954-1975: Ngoại giao đã trở thành mặt trận, đánh vào hậu phương Quốc tế của Mỹ, mở rộng hậu phương Quốc tế của Việt Nam, hình thành Mặt trận nhân dân Thế giới rộng lớn, mà nòng cốt là Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước Đông dương ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước. Đồng thời, ngoại giao đã phối hợp với chiến trường, đấu tranh chính trị, tiến hành đàm phán và ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam (27-1-1973). Hiệp định Paris là thắng lợi to lớn của ngoại giao Việt Nam, đã buộc Mỹ và các nước liên quan rút quân khỏi Việt Nam, chấm dứt hoạt động chiến tranh, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

 

Giai đoạn 1975-1986: Những năm đầu sau chiến tranh, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hàng chục nước, nhất là các nước Tư bản chủ nghĩa, tranh thủ được sự giúp đỡ về vật chất của nhiều quốc gia, các tổ chức  Quốc tế nhằm khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Giai đoạn này,Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, tham gia Hội đồng tương trợ kinh tế,  ký Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô. Giai đoạn 1986 đến nay: Với Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI (12/1986), Việt Nam đã khởi đầu công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đường lối, chính sách đối ngoại và hoạt động ngoại giao. Lợi ích cao nhất của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn này là "giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội". Đó cũng là mục tiêu bao trùm của chính sách đối ngoại Việt Nam. Nghị quyết 13 của Bộ chính trị (5-1998) đã tạo ra bước ngoặt trong đường lối chính sách đối ngoại Việt Nam. Các Đại hội tiếp theo từ Đại hội Đảng toàn quốc lần VII (năm1991) đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006) đường lối, chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới đã từng bước đước bổ sung, hoàn chỉnh. Việc thực hiện đường lối chính sách đối ngoại trên đã và đang gặt hái được những thành công quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã phá được bao vây, cấm vận và không ngừng mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa dạng hoá và đa phương hoá; bình thường hoá và từng bước xác lập khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài với tất cả các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển (cho đến nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 172 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, có quan hệ kinh tế với hơn 220 thị trường nước ngoài và là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn Quốc tế. Trong những năm gần đây, vị thế của Việt Nam trên trường Quốc tế ngày càng được nâng cao với việc nâng cấp quan hệ với các nước đối tác và chủ động tham gia vào các tổ chức khu vực và Quốc tế. Với những thành tích xuất sắc trên, Bộ Ngoại giao đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng năm 1995. Rất nhiều cá nhân, tổ chức được tặng các phần thưởng cao quý khác.

 

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, ngay từ trước những năm 80 của thế kỷ 20, tỉnh Bắc Thái trước đây (nay là tỉnh Thái Nguyên) đã thành lập Phòng Quan hệ đối ngoại, Hội hữu nghị Việt Xô nhằm phục vụ cho công tác đối ngoại của tỉnh. Trong giai đoạn này, công tác đối ngoại chủ yếu phục vụ cho các hoạt động giao lưu hữu nghị và tiếp nhận viện trợ từ các nước trong cộng đồng các nước XHCN.  Ngày 30 - 6 - 1994, UBND tỉnh Bắc Thái đã ban hành Quyết định số 74/UB-QĐ, chuyển Phòng Quan hệ đối ngoại thành Ban Đối ngoại trực thuộc UBND tỉnh. Nhiệm vụ của Ban Đối ngoại trong giai đoạn này là tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý các dự án phát triển chính thức (ODA), các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), công tác viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) và các nghiệp vụ ngoại vụ khác (lãnh sự, lễ tân...). Đến năm 1996, do có sự thay đổi từ Trung ương về quản lý ODA và FDI, theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư giữ vai trò đầu mối quản lý lĩnh vực này tại địa phương. Ban Đối ngoại giải thể, bộ phận Kinh tế đối ngoại chuyển về Sở Kế hoạch và Đầu tư, bộ phận Ngoại vụ chuyển về Văn phòng HĐND và UBND tỉnh. Hoạt động của bộ phận Ngoại vụ do một Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh phụ trách. Nhiệm vụ của bộ phận Ngoại vụ trong thời gian này là giúp Chánh Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh về quản lý công tác lãnh sự, lễ tân, Việt kiều và công tác viện trợ NGO.

 

Trong bối cảnh vai trò, vị thế và các quan hệ Quốc tế của Việt Nam ngày càng mở rộng và trước yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động đối ngoại địa phương, bộ phận Ngoại vụ đã được nâng cấp thành Phòng Ngoại vụ trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND tỉnh. Phòng Ngoại vụ có chức năng giúp Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh trong việc đề ra chủ trương, chương trình, kế hoạch quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là đầu mối phối hợp giữa các ngành, các cấp trong tỉnh với các cơ quan đối ngoại của Nhà nước về công tác đối ngoại, nghiệp vụ ngoại giao, công tác việt kiều và công tác NGO; giúp UBND tỉnh theo dõi về kinh tế đối ngoại (ODA, FDI).

Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm của Vùng Việt Bắc, là đầu mối giao thông trên con đường huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội tới các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng. Hàng năm có lượng khách nước ngoài tới làm việc, học tập cũng như quá cảnh qua lại rất lớn. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 cả nước, chỉ sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đại học Thái Nguyên cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói riêng và đất nước nói chung.

 

Nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại địa phương trong giai đoạn mới, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đồng thời, khắc phục những hạn chế, tồn tại do bất cập về bộ máy tổ chức cơ quan  ngoại vụ địa phương, Sở Ngoại vụ tỉnh đã được thành lập ngày 28-12-2009. Sở Ngoại vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ trên địa bàn tỉnh; các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân cấp, uỷ quyền của UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Ngoại giao.

 

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới và phát huy truyền thống tốt đẹp của cơ quan ngoại vụ và thực hiện tốt vai trò của một cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc lãnh đạo tỉnh về công tác đối ngoại, trọng tâm nhiệm vụ công tác đối ngoại trong thời gian tới được xác định như sau:  Bám sát các chủ chương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; các nghị quyết, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm của tỉnh để xây dựng các cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đảm bảo các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh được tiến hành thường xuyên, liên tục, đúng quy định pháp luật. Rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý và thực hiện các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh dựa trên tình hình thực tế của địa phương và phù hợp với các văn bản quy định của pháp luật. Xây dựng cơ quan ngoại vụ địa phương trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp và thẩm định thông tin kinh tế đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.Tiếp tục củng cố và hoàn thiện bộ máy làm công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh, đảm bảo giỏi về chuyên môn, đủ về số lượng; đồng thời xây dựng, trang bị cơ sở vật chất đảm bảo công tác.

 

Để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của hoạt động đối ngoại trong tình hình mới, công tác Ngoại giao nói chung và công tác Ngoại vụ Thái Nguyên nói riêng đã xác định cần phải thực sự chủ động, nhạy bén, linh hoạt và sáng tạo; nâng tầm công tác ngoại giao lên một bước mới trên tất cả các mặt: hoàn thiện tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ làm đối ngoại có năng lực và đặc biệt là nâng cao nghiệp vụ đối ngoại. Tôi luôn tin tưởng rằng sự nghiệp ngoại giao của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng sẽ ngày càng phát triển, bước thêm những bước dài, vững chắc trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.