Trở thành thành viên chính thức của ASEAN từ ngày 28/7/1995, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết và thống nhất trong Hiệp hội; tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên cũng như các đối tác bên ngoài, góp phần quan trọng vào duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực.
Ngày 8/8, 592 triệu dân các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) tưng bừng kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Hiệp hội (8-8-1967 - 8-8-2010). Đối với nhân dân Việt Nam, dịp này càng có ý nghĩa, khi năm 2010 đánh dấu sự kiện tròn 15 năm nước ta gia nhập ngôi nhà chung ASEAN và cũng là năm chúng ta đang đảm nhiệm rất thành công cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2010.
ASEAN có vị trí địa chính trị quan trọng và được đánh giá là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới hiện nay. Với tinh thần “thống nhất trong đa dạng”, ASEAN là mái nhà chung của các quốc gia trong khu vực, với những đặc trưng đa dạng về văn hoá cũng như phát triển.
Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á - gọi tắt là ASEAN- được thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967, với 5 thành viên sáng lập, sau đó từng bước mở rộng ra 10 quốc gia Đông Nam Á. Trải qua 43 năm tồn tại và phát triển, ngày nay, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực hợp tác toàn diện, với các hoạt động trải rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội; Là một thực thể chính trị-kinh tế gắn kết năng động, có vai trò quan trọng ở khu vực; Là đối tác quan trọng của nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.
Trở thành thành viên chính thức của ASEAN ngày 28/7/1995, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết và thống nhất trong Hiệp hội; tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên cũng như các đối tác bên ngoài, góp phần quan trọng vào duy trì hoà bình và ổn định trong khu vực. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội vào tháng 12/1998, với việc thông qua Chương trình hành động Hà Nội; Góp phần tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, cùng ASEAN vượt qua khủng hoảng và khôi phục hình ảnh của Khối, đặc biệt định hướng cho sự phát triển, hợp tác của Hiệp hội trong những năm kế tiếp để thực hiện tầm nhìn 2020.
Trong nhiệm kỳ 2000-2001, Việt
Sau hơn 4 thập kỷ, ASEAN đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới hướng tới mục tiêu hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015, với ba trụ cột chính là Cộng đồng chính trị-an ninh; Cộng đồng kinh tế; và Cộng đồng văn hoá-xã hội, có mục tiêu bao trùm là đưa Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ, liên kết sâu rộng và vững mạnh hơn, hướng tới người dân, phục vụ và nâng cao cuộc sống của người dân.
Việt Nam chính thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN vào thời điểm quan trọng (tháng 1/2010), có ý nghĩa bản lề, khi ASEAN đang tập trung đẩy mạnh các nỗ lực hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động thực sự trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột là chính trị-an ninh; kinh tế; văn hoá-xã hội và đưa Hiến chương ASEAN thực sự đi vào cuộc sống. Chính vì lẽ đó, các nước đã nhất trí với Việt Nam chọn chủ đề cho năm ASEAN 2010 là Hướng tới Cộng đồng ASEAN từ tầm nhìn đến hành động.”
Kể từ khi tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2010 đến nay, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng và đang góp phần hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đánh giá về vấn đề này, phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 43 ngày thành lập ASEAN tại Hà Nội ngày 7/8, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã khẳng định rõ ASEAN là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình; ưu tiên của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch năm nay là nâng cao uy tín và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế./