Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Phổ Yên được gọi là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, nói rộng ra là cửa chiến khu Việt Bắc. Bên kia cầu Đa Phúc, bên kia sông về phía Đông Nam xã Tân Phú và bên kia núi ở phía Tây Nam xã Thành Công là vùng địch tạm chiếm.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Phổ Yên đã lập được nhiều thành tích về các mặt nên đã được Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Trong thành tích chung ấy, có một làng quê chắc chắn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Đó là Làng kháng chiến (còn gọi là làng chiến đấu) Giữa - Hộ .
Thời phong kiến, vùng quê này gọi là làng Hoàng Đàm, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì gọi là thôn Hoàng Đàm. Thôn Hoàng Đàm có 5 xóm: xóm Lò, xóm Đồi, xóm Hạ, xóm Giữa và xóm Hộ. Đình và chùa Hoàng Đàm nổi tiếng khắp vùng, được xây dựng ngay trên đất của xóm Hộ. Ngày 20/8/1945, sau khi giành chính quyền cách mạng ở huyện, đi mít tinh ở thị xã Thái Nguyên về, nhân dân Hoàng Đàm tự hào đã được chứng kiến cuộc mít tinh, tế cờ Tổ quốc ngay ở chùa Hoàng Đàm. Ai cũng vui mừng vì đất nước ta đã được độc lập, tự do. Cuộc sống mới bắt đầu phơi phới đi lên.
Năm 1946, thực dân Pháp trở mặt, xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 1912/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cùng với cả nước, nhân dân vùng quê yên ả này cũng bật dậy với tinh thần sục sôi cách mạng, một lòng đi theo Việt Minh, theo Cụ Hồ, quyết một phen sống mái với quân thù. Lệnh tiêu thổ kháng chiến triệt để nhằm "làm cho địch đói, khát, què, điếc, mù, câm, tiêu hao, mệt mỏi, chán nản" và xây dựng làng chiến đấu của Chính quyền cách mạng vừa ban hành, nhân dân trong vùng đã nhất tề hưởng ứng. Chùa Hoàng Đàm cổ kính, tự là Linh Sơn, có gác chuông nguy nga và ngót trăm tượng Phật, đình Hoàng Đàm nổi tiếng với 6 sắc phong của triều đình phong kiến xưa kia cũng được liệt vào danh sách tiêu thổ kháng chiến. Tháng giêng năm 1947, sau khi làm lễ tế trời Cha, đất Mẹ và các bậc thánh thần, dân làng đã xin phép được phá hủy, dỡ đình, chùa để phục vụ công cuộc kháng chiến.
Việc dựng làng chiến đấu được tổ chức rất chặt chẽ: Nhà nào có tre thì tự hiến cho kháng chiến, toàn bộ lực lượng trẻ khỏe đều xung phong đi đào hầm, hào để rào làng. Các cụ già đun nước, chẻ lạt và thu rong gai giúp con cháu rào làng... Xóm Hộ và xóm Giữa ở liền kề nhau, có chu vi khoảng 3.000m được chọn để xây dựng làng chiến đấu kiểu mẫu cho các nơi khác làm theo. Một giao thông hào được đào vây quanh làng chiến đấu, có chiều rộng 0,8m và sâu 1 ,7m. Phía ngoài giao thông hào là hàng rào khép kín. Nhân dân trong làng đã bỏ ra 13.000 cây tre to cưa thành cọc dài để sau khi chôn sâu, bờ rào cánh sẻ vẫn còn cao 2,5m. Mọi người còn chẻ đôi cây tre, đục các chốt, lắp then rồi dùng lạt cật bằng ngón tay cái néo chặt, ép cho hàng rào thật chắc chắn. Xung quanh làng có 8 cổng: 3 cổng ở phía Tây Nam (phía chợ Vạn cũ); 3 cổng ở phía Bắc; 1 cổng ở phía Tây và 1 cổng ở phía Đông. Cổng nào cũng có điếm canh, đêm có người gác, có thời điểm gác cả ban ngày. Ai lạ mặt vào làng đều phải xuất trình giấy thông hành. Từ 10 giờ đêm trở ra thì dù là người trong làng đi lại cũng phải có đèn hoặc đuốc, nếu không sẽ bị bắt giữ, phê bình.
Khi rào làng gần xong thì có anh em bộ đội địa phương về tiếp sức làm hầm, hào ngang dọc khắp làng. Riêng hầm chỉ huy được đào sâu tới 1,7m, chiều rộng 15m và chiều dài 20m. Hầm được lát bằng cột đình, cột chùa; phía trên lát phên tre đan dầy rồi lấp đất hình mu rùa, trên cùng lát bằng mê cỏ. Hầm này làm ở vườn nhà ông Nguyên Lợi kéo sang nhà ông Nguyệt. Ông Dương Đình Tuân là Trung đội trưởng Trung đội du kích xã Đồng Tiến thường lui tới địa điểm này để họp bàn với các anh chỉ huy bộ đội, với cán bộ kháng chiến để sẵn sàng đối phó với địch.
Những năm 1947-1950, làng chiến đấu Giữa - Hộ vinh dự được chọn làm trụ sở Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Phổ Yên (đóng tại nhà ông Cảnh). Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Đồng Tiến cũ (gồm các xã Đắc Sơn, Nam Tiến, Đồng Tiến và thị trấn Ba Hàng ngày nay) được ra đời tại nơi đây (tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng ở nhà ông Ký Sa). Đặc biệt, làng này đã nhiều lần được đón bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương về trú quân và luyện tập. Dân làng đối với bộ đội như cá với nước. Nhân dân ở đây cũng như bà con trong cả vùng Hoàng Đàm ai cũng có ý thức giữ bí mật, bảo vệ bộ đội và cơ quan kháng chiến. Từ trẻ đến già người nào cũng thực hiện tốt khẩu hiệu "ba không" (không nghe, không biết, không thấy). Những người lạ mặt bén mảng tới Hoàng Đàm nếu thấy có dấu hiệu khả nghi đều bị phát hiện kịp thời. Làng Hoàng Đàm còn là nơi cưu mang nhiều đồng bào tản cư ở vùng tề ra, giúp cho bà con yên tâm, phấn khởi, hòa nhịp với cuộc sống mới ở địa phương. Nhiều con em cán bộ vùng địch hậu được gửi vào các gia đình ở làng kháng chiến Giữa - Hộ để theo học trường phổ thông cấp I, II ở vùng tự do trên đất Phổ Yên.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, hàng chục thanh niên ở làng kháng chiến kiểu mẫu này đã lần lượt lên đường đi chiến đấu. Điển hình nhất phải kể đến gia đình cụ Nguyễn Quang Vượng. Tuy nghèo nhưng gia đình cụ thường nuôi các cán bộ cách mạng. Gia đình cụ có 4 người con đi bộ đội và một người đi thanh niên xung phong ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sau đó đã được Nhà nước tặng thưởng Bảng vàng Danh dự. Người con cả của cụ là ông Nguyễn Quang Oanh, năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, ham đọc sách báo và làm vườn để vui tuổi già. Ông Oanh còn là trung tâm đoàn kết của một đại gia đình trong chi họ Nguyễn Quang. Người con thứ ba của cụ Vượng sau khi rời thanh niên xung phong đã chuyển sang công tác trong ngành kiến trúc rồi về xã Nam Tiến làm Bí thư Đảng ủy xã nhiều khóa. Cụ Vượng có 1 cháu nội đã noi gương truyền thống của gia đình, nay là Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, hiện đang công tác ở Bộ Quốc phòng…
Trong thời kỳ đổi mới, xóm Giữa và xóm Hộ vẫn phát huy truyền thống cách mạng của làng kháng chiến năm xưa. Đến nay, đường làng, ngõ xóm phần lớn đã được bê tông hóa, nhà xây mọc lên san sát thay cho cảnh nhà tranh vách đất năm nào. Tại xóm Hộ, nhân dân đã nhường đất để xã Nam Tiến xây Trạm y tế xã khang trang, nay đang phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tại xóm Giữa, nhân dân đã nhường đất để có thêm hàng nghìn mét vuông xây dựng Trường Tiểu học và THCS của địa phương. Trên nền đất của đình Hoàng Đàm cũ bây giờ là trụ sở làm việc của xã. Cây gạo cổ thụ trên 200 năm tuổi vẫn hiên ngang như một nhân chứng lịch sử, hè nào cũng rực rỡ màu hoa đỏ thắm khoe sắc giữa sân đình Hoàng Đàm đã từng nổi tiếng một thời. Giữa hồ sen, ngay phía ngoài ba cổng phía