Mặc dù mới được sáp nhập chưa lâu (5/2008) nhưng sự bắt nhập trong quản lý và vận hành của cán bộ, viên chức ngành Công Thương được thể hiện rất rõ nét. Những thành quả đáng ghi nhận trong các lĩnh vực nội ngành như: Công nghiệp, thương mại, dịch vụ… thời gian qua đều có dấu ấn từ các phong trào thi đua yêu nước.
Thi đua khen thưởng luôn được Sở Công Thương xác định là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành kế hoạch đề ra. Hàng năm, BCH Đảng bộ, Công đoàn ngành thường xuyên xây dựng và ban hành các văn bản phát động phong trào thi đua theo từng tiêu chí, nội dung cụ thể phù hợp với từng đơn vị, doanh nghiệp. Đó là các phong trào thi đua: Thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thi đua thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phong trào xây dựng cơ quan đạt chuẩn văn hoá; phong trào cải cách hành chính thu hút đầu tư…
Ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Các phong trào thi đua đều gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cơ quan. Nội dung thi đua rất phong phú, sát với tình hình thực tế, kèm theo các biện pháp thực hiện cụ thể nên đã thu hút được toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn ngành tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp và không khí làm việc hăng say. Sở đã chỉ đạo và hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị chuyên môn ký kết giao ước thi đua, đăng ký các danh hiệu thi đua, phát hiện, bồi dưỡng và biểu dương các nhân tố điển hình. Theo bà Đinh Thị Thu, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp thì công việc của Phòng rất nhiều trong khi cán bộ lại rất ít. Nếu không có các phong trào thi đua thì sẽ không khích lệ được tinh thần hăng say lao động và hoàn thành công việc của anh em. Mọi người đều hiểu rằng, tham gia các phong trào thi đua không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động chuyên môn mà chính từ các phong trào thi đua những cá nhân, tập thể xuất sắc được phát hiện và trở thành nhân tố chính của đơn vị.
Có thể nói, các phong trào thi đua đã thực sự là đòn bẩy tạo nên sức mạnh tổng hợp để ngành Công Thương hoàn thành những mục tiêu đề ra. Trong mấy năm qua, đặc biệt năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 này, mặc dù vẫn chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, song các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn tạo được đà tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệ toàn tỉnh đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt trên 7,6 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% năm 2008; kim ngạch xuất khẩu đạt 66,64 triệu USD… Tính đến hết tháng 7 năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt trên 6.244 tỷ đồng, vượt 13,3% cùng kỳ; tổng mức lưu chuyển hàng hoá tăng 21,1% cùng kỳ; giá trị xuất khẩu tăng 26,22% cùng kỳ…
Đối với lĩnh vực xúc tiến thương mại, Sở đã thường xuyên triển khai kế hoạch thương mại điện tử đến các ngành, địa phương liên quan, đồng thời tổ chức giới thiệu về các thị trường nước ngoài tiềm năng. Ngoài ra, Sở còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất mở rộng thị trường thông qua các hội thảo. Giúp việc tích cực cho Sở về lĩnh vực này là Trung tâm Xúc tiến thương mại. Mặc dù lực lượng rất mỏng, nhưng với sự đoàn kết, năng động thực hiện tốt các phong trào thi đua, thời gian qua Trung tâm đã gặt hái được nhiều thành công. Đáng kể nhất là Chương trình “Phiên chợ kích cầu tiêu dùng vùng cao” với chủ đề: Bán hàng sản xuất trong nước, giảm giá, khuyến mại phục vụ đồng bào” tại 4 huyện là Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Chương trình hợp tác với Hiệp hội chè Pakistan xuất khẩu ổn định 5.000 tấn chè búp khô trở lên trong giai đoạn 2010-2012 với giá cao hơn so với các năm trước. Ông Đặng Công Hoan, Giám đốc Trung tâm cho biết: Có được kết quả trên phải kể đến sự cố gắng vượt bậc của anh em cán bộ viên chức trong Trung tâm. Đó cũng là nguồn động viên, khích lệ cho những nỗ lực thi đua hàng năm của chúng tôi.
Trong hoạt động khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, Sở rất chú trọng việc phối hợp với các địa phương, các cơ sở sản xuất triển khai 34 đề án khuyến công. Trung tâm Khuyến công của Sở đã thực hiện 11 hợp đồng tư vấn với giá trị gần 2 tỷ đồng; hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng cho hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Riêng 7 tháng của năm 2010, Trung tâm đã triển khai thực hiện 18 đề án khuyến công với kinh phí hỗ trợ gần 900 triệu đồng... Lĩnh vực quản lý thị trường cũng luôn được Sở chú trọng. Trong năm 2009, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 1.200 vụ, trong đó có hơn 1.000 trường hợp bị xử lý phạt tiền, nộp ngân sách trên 2,7 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác quản lý, điều hành của Sở trong giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Sở đã triển khai giám sát thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, kết cấu hạ tầng, khai thác, chế biến khoáng sản; kiểm tra, giám sát các dự án liên quan, đồng thời hoàn chỉnh Đề án Hội nhập kinh tế quốc tế và chiến lược xuất khẩu của tỉnh, ban hành quy chế quản lý điểm, cụm công nghiệp.
Với những thành tích đạt được, Hội đồng thi đua, khen thưởng ngành đã đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen cho tập thể Sở Công Thương; đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở…