Phong trào thi đua yêu nước: Phải hướng vào những việc làm thiết thực, cụ thể

14:30, 27/08/2010

62 năm trước, trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã thể hiện Tư tưởng lớn của người khi nhấn mạnh: “Người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ già trẻ, trai gái, giàu nghèo; bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua, đều phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Tóm lại, ai cũng phải thi đua, ai cũng phải tham gia kháng chiến và kiến quốc”.

 

Và trong suốt cuộc đời của mình, tư tưởng này không chỉ nhất quán trong chỉ đạo mà trong cả việc làm của mình. Để khơi dậy phong trào lao động sản xuất, Bác Hồ đã từng xắn quần tát nước với nông dân, vào nhà máy trò chuyện với công nhân, tự tay cuốc đất tăng gia sản xuất. Bác muốn dạy chúng ta rằng: thi đua là phải bằng những việc làm cụ thể; thi đua phải hướng vào mục tiêu yêu nước và thi đua yêu nước là tiền đề cho sự phát triển của đất nước.

 

Thực tế đã chứng minh rằng, đối với một đất nước, một tỉnh, một huyện, ở đâu dấy lên được phong trào thi đua rộng khắp, được nhiều tập thể, cá nhân tham gia, ủng hộ thì nơi ấy sẽ có một sự chuyển biến mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, cuộc sống của người dân sẽ nhanh chóng phát triển.

 

5 năm qua, chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao và phát triển tương đối toàn diện, tổng thu ngân sách tăng 2,8 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 3 lần, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ và đạt kết quả khá toàn diện….

 

Có được những kết quả ấy phải khẳng định có sự đóng góp rất quan trọng của các phong trào thi đua ở các địa phương, các ngành, các cơ quan, đoàn thể và ở từng khu dân cư. Đó là phong trào “Dạy tốt - Học tốt” của ngành Giáo dục -Đào tạo; “Người cán bộ công chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” trong công nhân, viên chức và người lao động; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, tiết kiệm phấn đấu hoàn thành toàn diện vượt mức kế hoạch” trong sản xuất công nghiệp; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong lĩnh vực văn hóa - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị; Phong trào “Thi đua quyết thắng” trong lực lượng vũ trang…Các phong trào này thực hiện gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nên càng có sức lan tỏa mạnh, đi vào các tầng lớp nhân dân, được thể hiện bằng những việc làm thiết thực, cụ thể nhất.

 

Tôi rất tâm đắc với mô hình tiết kiệm của các cấp hội Phụ nữ. Từng nắm gạo nghĩa tình, từng đồng tiền chắt chiu đã giúp đỡ các cảnh đời còn thiếu túng. Tôi cũng rất ủng hộ các phong trào quyên góp giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, các em nhỏ tàn tật, người già neo đơn của những thanh niên tình nguyện, của sinh viên các trường đại học trong tỉnh. Qua đó đã góp phần tạo dựng một không khí xã hội bình an, đầm ấm, nghĩa tình.

 

Điển hình như huyện Phổ Yên, địa phương đã phát động được phong trào hiến đất cho các công trình xã hội, góp phần đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Phổ Yên thoát khỏi là huyện nông nghiệp và đang phấn đấu trở thành huyện Công nghiệp - Đô thị trong thời gian không xa. Điển hình như huyện Phú Bình là Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tích cực vận động đoàn viên, hội viên tham gia lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhân tố con người năng động sáng tạo thúc đẩy phong trào, góp phần đưa huyện Phú Bình có bước chuyển mạnh, mở ra hướng phát triển đột phá trong thời gian tới….

 

5 năm qua, từ các phong trào thi đua này đã xuất hiện hàng trăm điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu khoa học; trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đức Hồ Chí Minh”cũng xuất hiện hàng trăm tập thể, cá nhân học và làm theo Bác bằng những việc làm rất thiết thực. Đã có gần 10 nghìn đề tài, sáng kiến làm lợi cho Nhà nước và xã hội trên 50 tỷ đồng; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, không chỉ trên địa bàn tỉnh, mà có sức lan tỏa ra cả nước, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, xung kích trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Những minh chứng đó càng khẳng định: phong trào thi đua đã có tác động tích cực, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.

 

Bên cạnh những việc làm thiết thực, hiệu quả, chúng ta cũng nhận thấy rằng phong trào thi đua yêu nước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, một số cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể còn chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác thi đua, khen thưởng, nhất là chưa quan tâm đúng mức đến các nội dung hoạt động của công tác thi đua, khen thưởng. Các phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục. Công tác khen thưởng chưa coi trọng đúng mức đến những đối tượng là công nhân, nông dân, người lao động, người trực tiếp sản xuất. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết có lúc làm chưa kịp thời. Và đặc biệt là, sự kết hợp giữa sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng cơ sở, của chính quyền và các đoàn thể chưa thật sự chặt chẽ. Phong trào có nơi có lúc chỉ mạnh về “phát” nhưng chưa thực sự “động”, lý luận nhiều mà việc làm cụ thể có thể kể đếm được còn ít, cho nên trên địa bàn thời gian qua còn nơi này nơi kia chưa làm cho dân hiểu, nên việc chấp hành pháp luật nhà nước chưa tốt, hiệu quả thúc đẩy xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi tiến bộ của xã hội. cản trở công việc vì sự phát triển chung. Đó là điểm yếu cần phải được khắc phục trong thời gian tới.

 

Bác Hồ đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Chúng ta một lần nữa khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng và xác định thi đua, khen thưởng là động lực và biện pháp tích cực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

 

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cho giai đoạn 2010 - 2015, với mục tiêu tổng quát là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề thuận lợi để đến trước năm 2015 Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, đào tạo của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ”, tôi đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức và các tầng lớp nhân dân  hưởng ứng nhiệt tình hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước bằng những việc làm thiết thực: Người công nhân ở nhà máy phát huy sáng kiến, tiết kiệm nguyên vật liệu, sản xuất an toàn, chất lượng sản phẩm cao; người nông dân ở đồng ruộng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, tham gia xây dựng nông thôn mới; mỗi cán bộ, công chức mẫn cán với công việc, tích cực thực hiện cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân ngày càng tốt hơn. Tóm lại, phong trào thi đua phải thực sự trở thành ý thức chính trị, phương châm hành động của mỗi đơn vị, địa phương và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.

 

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến” đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân. Nội dung phát động thi đua phải thực chất; điển hình tiên tiến phải là những tấm gương sáng và vận động hướng dẫn người khác làm theo, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến cả cộng đồng; đối với các cấp ủy đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa các nhóm nhiệm vụ giải pháp “Năm đẩy, bốn quản, ba chống" và "Ba thân thiện”;  tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện Cuộc vận động“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

Kỷ niệm 65 năm quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945- 2/9/2010), 65 năm ngày giải phóng Thái Nguyên (20/8/1945-20/8/2010) và Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ III cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của quê hương“Thủ đô kháng chiến”, nơi cách đây 62 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc.

 

Với những thành tích và kết quả đạt được rất đáng trân trọng trong thời gian qua, tôi tin tưởng chắc chắn rằng sau Đại hội thi đua yêu nước lần này, phong trào thi đua của tỉnh ta ngày càng phát triển, lan tỏa cả bề rộng và chiều sâu, xuất hiện thêm nhiều điển hình tiên tiến như những bông hoa thơm làm phong phú, rạng rỡ trong vườn hoa tươi thắm thi đua xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.