Đường lối đấu tranh của Đảng đã thống nhất với ý nguyện của nhân dân; thiên tài của lãnh tụ đã tỏa sáng cùng trí tuệ của dân tộc. Tất cả đã tạo thành con sóng nhấn chìm chế độ thực dân phong kiến, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc. Tháng 8/1945, dưới ngọn cờ hiệu triệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã nhất tề đứng dậy làm cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới ...
Đó là cuộc cách mạng để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử, bởi lần đầu tiên, một Đảng của giai cấp vô sản đã biết tập hợp hàng triệu quần chúng dưới ngọn cờ độc lập dân tộc, tạo thành làn sóng cách mạng vĩ đại, cuốn phăng chế độ thực dân phong kiến, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ bước lên địa vị chủ nhân của đất nước.
Tự hào được cầm súng
Bây giờ, dẫu đã ở tuổi 86, nhưng mỗi khi nhắc lại cuộc sống những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đại tá Thái Mỹ, cán bộ lão thành cách mạng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội vẫn không quên được không khí ngột ngạt của thành phố khi dân ta phải sống trong cảnh một cổ 2 tròng.
Ngồi ở phố Hàng Gai, thấy mấy tên đội Tây vung dùi cui xua đuổi những người buôn thúng bán bưng nghèo khó trong bộ quần áo vá víu chằng chịt chạy tán loạn như chim vỡ tổ; hay cảnh những đứa trẻ lai Tây béo tốt, ngả ngớn trên xe tay, vừa cười vừa đạp vào lưng người kéo xe tóc bạc còm nhom... mà lòng uất nghẹn.
Nhật đảo chính Pháp, những toán quân Nhật mặc quần soóc lửng, áo kaki, mũ vải nhan nhản khắp phố phường Hà Nội càng thôi thúc những thanh niên như ông tích cực tham gia Việt Minh. Ngày 19/8/1945, Hà Nội khởi nghĩa, tổ Việt Minh của ông tự hào được cầm súng cùng quần chúng biểu tình lật đổ chế độ áp bức của thực dân phát xít.
Ông Thái Mỹ nhớ lại: “Tổ Việt Minh chúng tôi cùng với quần chúng đi biểu tình từ khu Năm Diệm (Kim Mã bây giờ) kéo lên đánh chiếm Bắc Bộ phủ, sau đó được bổ sung lực lượng, kéo đến Bảo an binh. Nhật đưa mấy chiếc xe tăng ra án ngữ. Tôi và các anh Cử, Hoàng, Thái Vĩnh… được phân công chặn xe tăng. Vũ khí chúng tôi có chỉ là mấy khẩu súng ngắn, nhưng anh em thống nhất nếu có chuyện xảy ra sẽ nhảy lên tiêu diệt lính Nhật để chúng không bắn vào đồng bào mình. Cuối cùng, thấy lực lượng của ta đông quá, bọn Nhật cũng rút”.
“Không bị mẹ la rầy vì đã độc lập…”
Còn với bà Ngô Minh Tâm, cán bộ lão thành ở Khu tập thể Bộ Y tế - cô nữ sinh Đồng Khánh ngày nào thì vẫn không quên kỷ niệm cùng bạn bè tham gia Thanh niên phản đế Hà Nội. Vẫn thướt tha áo dài xe đạp mỗi chiều trên phố, nhưng bên trong tay lái, dưới yên xe là tài liệu bí mật và truyền đơn kêu gọi khởi nghĩa.
Câu chuyện với bà trong buổi chiều mưa Hà Nội gợi lại ký ức về buổi sáng 4 người trong nhóm của bà ăn mặc rất đẹp, đạp xe qua cầu Long Biên, sang Bắc Ninh tập bắn súng. Rồi có lệnh gọi về tổ chức biểu tình ủng hộ Việt Minh. Một cuộc biểu tình diễn ra trong mưa ngày 17/8/1945.
Bà Minh Tâm kể: “Mỗi người được bắn một phát súng, vai đau ê ẩm. Chiều có lệnh về Hà Nội phá cuộc nói chuyện của giới viên chức Hà Nội, biến thành cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh. Hôm đó trời mưa dữ lắm. Nhưng dòng người mỗi lúc một đông, mọi người ai cũng hăng hái. Đi từ Nhà hát Lớn xuống Tràng Tiền, Tràng Thi, Đinh Tiên Hoàng… vừa đi vừa hô khẩu hiệu, hô khản cả giọng. Đến tối mới về. Mẹ tôi cũng không la rầy nữa. Vì độc lập rồi, vui lắm…”.
Nỗi nhục của người dân nô lệ, lòng yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc đã thôi thúc những thanh niên như ông Thái Mỹ, bà Minh Tâm, ông Thái Vĩnh đến với cách mạng. Ngay cả ông Lê Tuấn, cháu nội quan Tuần phủ Hưng Yên, cũng đứng vào hàng ngũ Việt Minh, làm tổ trưởng 11 tổ Việt Minh nội thành Hà Nội. Bây giờ, dẫu tuổi cao sức yếu nhưng ông Tuấn vẫn nhớ 2 cô con gái một nghị sĩ đã âm thầm đóng góp tài chính cho Việt Minh, hay con trai ông chủ hiệu Tường An, là cháu một viên dân biểu Hà Nội ủng hộ một khẩu súng...
Ông bảo: “Ngay khi Việt Minh mới thành lập, người Hà Nội đã tin tưởng vào con đường giải phóng dân tộc mà Việt Minh khởi xướng. Mọi người âm thầm hướng về lá cờ Tổ quốc đang ẩn hiện trong đêm trước bình minh của dân tộc. Cách mạng tháng Tám là cuộc Cách mạng của ý nguyện toàn dân”.
Ông Thái Vĩnh, trú tại Khu tập thể Nam Đồng, quận Đống Đa, nguyên là thành viên tổ Việt Minh nội thành Hà Nội nói: “Cách mạng tháng Tám là cuộc đại đồng khởi toàn dân sau 15 năm chuẩn bị dưới sự lãnh đạo của Đảng; là một kỳ tích của dân ta trong thế kỷ 20; một cuộc đổi đời lớn cho tất cả các tầng lớp, các dân tộc, các cộng đồng. Nó là một bước chuyển vĩ đại không chỉ của dân tộc ta mà còn là của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Cuộc cách mạng này gắn liền với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Không có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thì không thể tiến hành được”.
Còn Giáo sư Văn Tạo, nguyện Viện trưởng Viện Sử học thì cho rằng Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng vĩ đại, tạo dấu ấn sâu sắc trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Một cuộc cách mạng mà ở đó, đường lối đấu tranh của Đảng đã thống nhất với ý nguyện của nhân dân; thiên tài của lãnh tụ đã tỏa sáng cùng trí tuệ của dân tộc. Tất cả đã tạo thành con sóng vĩ đại nhấn chìm chế độ thực dân phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc.
65 năm đã đi qua, nhưng hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh tháp Rùa mùa thu năm 1945 vẫn luôn tươi xanh trong ký ức của người Hà Nội. Tháp Rùa vẫn trầm mặc soi mình giữa trong xanh mặt nước Hồ Gươm như một khoảng lặng giữa lòng thủ đô, để thế hệ hôm nay tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Cách mạng tháng Tám là thành quả của khát vọng lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khát vọng cao cả ấy luôn là nguồn sức mạnh vô biên đồng hành cùng dân tộc, cổ vũ thế hệ hôm nay vững tin tiến về phía trước, vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh./.