Việt Nam là ngọn cờ trong Phong trào Không liên kết

08:06, 25/08/2010

Trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam, ông Fakhry Labib - Trưởng ban Thông tin Uỷ ban Đoàn kết Á Phi về vai trò của Việt Nam trong Phong trào Không liên kết

 

 Kể từ khi thành lập tới nay, Phong trào Không liên kết ngày càng phát triển, có  vai trò, tiếng nói  trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và  quốc tế, với tôn chỉ mục đích là đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, thủ tiêu chủ nghĩa thực dân, theo năm nguyên tắc chỉ đạo: hoà bình, độc lập, phát triển, không liên kết và không tham gia khối, nhóm quân sự, chính trị nào.

 

Kể từ khi tham gia Phong trào Không liên kết, Việt Nam đã đóng góp tích cực cho các hoạt động, nâng cao vai trò, vị thế của Phong trào. Đặc biệt, hai cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và công cuộc đổi mới đất nước của Đảng ta được các nước thành viên coi là tấm gương sáng để học tập.

 

Nhân dịp kỷ niệm ngày Việt Nam gia nhập Phong trào Không liên kết (26/8), phóng viên Đài TNVN thường trú tại Ai Cập đã phỏng vấn ông Fakhry Labib - Trưởng ban Thông tin - Uỷ ban đoàn kết Á Phi về vai trò của Việt Nam trong Phong trào Không liên kết.

 

** Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam trong phong trào Không liên kết ?

 

Trong ký ức và tình cảm của cá nhân tôi, Việt Nam là một đất nước Anh hùng. Nói tới Việt Nam, chúng tôi không thể không biết tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tướng Giáp. Việt Nam có một lịch sử hào hùng đã đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ để giành độc lập và thống nhất dân tộc. Chiến thắng đó đã làm nên lịch sử không chỉ riêng của Việt Nam mà còn là của cả thế  giới. Chúng tôi đã suy nghĩ và tự hỏi làm sao một đất nước nghèo, nhỏ bé lại có thể đánh thắng đế quốc xâm lược như Pháp rồi Mỹ. Nhân dân Việt Nam, Việt Nam là ngọn cờ, là biểu tượng cho các nước bị thuộc địa, bị xâm lược.  

 

Là thành viên của Phong trào không liên kết, Việt Nam vừa đóng góp phát triển phong trào nhưng vừa là nguồn động viên cổ vũ cho các nước thành viên. Những đóng góp và cỗ vũ đó đã giúp cho nhiều dân tộc Á, Phi, Mỹ đứng lên đấu tranh giành độc lập, hoà bình.

 

Là thành viên của Phong trào Không liên kết, Việt Nam đã đóng góp rất nhiều trên các diễn đàn song phương và đa phương, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc. Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước.

 

** Vậy thưa ông, trong giai đoạn hội nhập, phát triển hiện nay, vai trò của Việt Nam được đánh giá như thế nào ?

 

Cũng cần phải khẳng định rằng, Phong trào Không liên kết ngày càng lớn mạnh, có tiếng nói và vai trò trên các diễn đàn quốc tế. Phong trào Không liên kết hoạt động tích cực và đóng góp nhiều trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế, xây dựng ổn định, đoàn kết trong nội bộ các nước thành viên và cũng cố vị thế của Phong trào.

 

Phong trào đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình và an ninh, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh hạt nhân, giải quyết tranh chấp và xung đột giữa các nước thành viên bằng biện pháp hoà bình.

 

Sự lớn mạnh và phát triển của Phong trào Không liên kết tôi cho rằng có nhiều đóng góp của Việt Nam. Việt Nam có một vai trò quan trọng. Trong lịch sử, Việt Nam là ngọn cờ cho đấu tranh giành độc lập, cho các nước yêu chuộng hoà bình. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển, Việt Nam là mô hình về đổi mới và phát triển kinh tế.

 

**  Theo ông, để Phong trào Không liên kết ngày càng lớn mạnh và có tiếng nói trên trường quốc tế thì các nước thành viên và Việt Nam cần phải làm gì?

 

Trước hết phải nói đến các vấn đề mà Phong trào Không liên kết đang quan tâm. Đó là hoà bình, an ninh, độc lập tự chủ, quyền tự quyết; là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường hợp tác về các vấn đề quốc tế lớn; thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hoá, xã hội.  Do đó, theo tôi, các nước thành viên của Phong trào Không liên kết và Việt Nam cần tăng cường phối hợp, hợp tác để giải quyết các vấn đề chung, các vấn đề quốc tế. Đặc biệt, cần hỗ trợ, thúc đẩy nhau phát triển kinh tế, thương mại, tăng cường trao đổi văn hoá để thêm sự hiểu biết lẫu nhau, tăng đoàn kết. Tăng cường đối thoại, đàm phán nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nước nghèo.

 

** Xin cảm ơn ông!./.