Khai mạc phiên họp 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

08:30, 28/09/2010

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là vấn đề thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước.  

 

Ngày 27/9 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 35. Buổi sáng, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, dưới sự chủ tọa của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công tác dân nguyện và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2010. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

  

Thảo luận về dự án luật thanh tra sửa đổi, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung làm rõ địa vị pháp lý và nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan Thanh tra; mục đích thanh tra; Thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; Trách nhiệm của cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; Thanh tra khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất và thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường, thị trấn và Thanh tra nhân dân.

 

Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến là vấn đề thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về tổ chức thanh tra chuyên ngành ở một số tổng cục, cục thuộc Bộ. Riêng thanh tra chi cục thuộc sở, có nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc lại. Nếu thành lập sẽ làm tăng quá nhiều đầu mối cơ quan thanh tra, gây chồng chéo trong hoạt động thanh tra. Việc tổ chức thanh tra chuyên ngành ở một số tổng cục, cục thuộc bộ nhằm đáp ứng nhu cầu trong quản lý nhà nước, mặt khác từng bước lập lại trật tự trong việc tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra.

 

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho rằng: “Một số bộ, ngành, quy mô và tổ chức rất lớn. Nếu như chỉ một thanh tra Bộ làm hết công tác thanh tra của cơ quan đó thì bộ máy của thanh tra bộ phải rất lớn. Vì vậy cho nên phải thành lập thêm một thanh tra cục hoặc tổng cục. Thanh tra cục và tổng cục này hiểu gần như 1 bộ phận của thanh tra Bộ”.

 

Về trách nhiệm của cơ quan thanh tra, có ý kiến cho rằng, việc nêu định hướng là rất chung chung. Do vậy, đề nghị thay định hướng bằng xây dựng chương trình tranh tra. Đồng thời trách nhiệm của cơ quan thanh tra là tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

 

Về thanh tra khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nhiều đại biểu cho rằng, không nên quy định vấn đề này ở Luật thanh tra. Bởi vì, có thành lập Thanh tra khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất thì cũng khó có thể xác định được nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan này. Chủ nhiệm Ủy ban Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nêu ý kiến: “Nếu phân định cơ quan thực hiện thanh tra đối với mọi lĩnh vực trong phạm vi khu công nghiệp, kinh tế, chế xuất thì từ phòng cháy chữa cháy cho đến vệ sinh an toàn thực phẩm, an tòan lao động... cũng không thể thực hiện nhiệm vụ hiệu quả được. Mặt khác, khi thành lập thanh tra ở những khu vực này lại phải sửa hàng loạt các văn bản pháp luật chuyên ngành để loại trừ nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành trong việc thanh tra đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất”.

 

Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo về công tác dân nguyện và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2010. Các đại biểu cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá của Chính phủ về tình hình khiếu nại, tố cáo, những nỗ lực của Chính phủ, của các cấp, các ngành trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đánh giá, phân tích chưa đầy đủ, nhất là về thực trạng đơn thư phát sinh. Trong đó, nhiều vụ việc khiếu nại mặc dù được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng quy định nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại và khiếu kiện vượt cấp.

 

Nhiều giải pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra nhằm hạn chế tình trạng trên: trong đó tập trung triển khai thực hiện Đề án Đổi mới công tác tiếp dân; ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, nâng cao trách nhiệm giải quyết của các cơ quan nhà nước…/.