Thảo luận Dự thảo Nghị quyết miễn, giảm thuế nông nghiệp

08:09, 14/09/2010

 Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, sẽ chỉnh lý dự thảo theo hướng: Đất trong hạn mức thì được miễn hoàn toàn, trên hạn mức thì được giảm 50% và trên hạn mức tích tụ thì thu 100%.

   

Ngày 13/9 tại Hà Nội diễn ra phiên họp thứ 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Buổi sáng, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Định mức phân bổ Ngân sách Nhà nước áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011-2015. Buổi chiều, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì phiên họp.

 

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, từ năm 2003-2010, Nhà nước đã miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho trên 11 triệu hộ nông dân với diện tích miễn, giảm hơn 5,4 triệu hta; tổng số thuế miễn, giảm gần 2.840 tỷ đồng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp và đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn, cần tiếp tục hỗ trợ.

 

Dự thảo Nghị quyết lần này tập trung xác định đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần phân loại đối tượng thụ hưởng việc miễn, giảm thuế này.

 

Ông Nguyễn Văn Thuận nêu ý kiến: “Tôi đề nghị cho miễn thuế đối với những cá nhân là người cao tuổi, người nghèo, người tàn tật. Những hộ gia đình tnghèo ở những vùng đặc biệt khó khăn thì miễn hoàn toàn, còn giảm 50% cho các đối tượng khác chứ nếu miễn cả thì hơi cào bằng. Chúng ta nói là những hộ trong hạn mức là miễn hết cũng không phải mà phải thu”.

 

 Theo ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất nông nghiệp hiện đang được sử dụng không đúng mục đích. Nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích sử dụng và khuyến khích được người nông dân.

 

Ông Trần Thế Vượng nói: “Mục tiêu của chúng ta là khuyến khích sản xuất nông nghiệp vì an ninh lương thực, nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta cũng không tạo ra được nhiều công ăn việc làm thì phải tìm cách để người nông dân gắn bó với nông nghiệp. Tôi hoàn toàn tán thành điểm 2 trang 6 là “miễn toàn bộ số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với diện tích làm muối và trồng lúa, không phân biệt hạn mức”.         

 

Về vấn đề miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các hộ nông trường viên, ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng Ban công tác Đại biểu của Quốc hội cho rằng: Cần có sự bình đẳng giữa cá nhân nông trường viên và nông dân khi chúng ta đã xác định hộ nông trường viên cũng là hộ nông dân. Ông Phạm Minh Tuyên nói: “Vì đã là hộ nông trường viên, lâm trường viên cũng coi như là hộ nông dân, mà đã như hộ nông dân thì chúng ta bình đẳng, nghĩa là anh được giao khoán dưới hạn mức thì sẽ được miễn. Nếu vượt quá hạn mức thì được miễn giảm 50%, còn nếu vượt quá định mức theo Nghị quyết 1126 của Quốc hội thì phải thu 100%. Nghĩa là giữa nông trường viên và nông dân là như nhau”.

 

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, sẽ chỉnh lý dự thảo theo hướng: Đất trong hạn mức thì được miễn hoàn toàn, trên hạn mức thì được giảm 50% và trên hạn mức tích tụ thì thu 100%. Đất trồng lúa, làm muối được miễn toàn bộ; đất dành cho mục đích nghiên cứu khoa học, kỹ thuật phục vụ nông nghiệp cũng được miễn thuế thay vì giảm thuế như hiện nay. Về thời gian miễn giảm, đa số thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhất trí là 10 năm, bắt đầu từ 2011 đến 2020.

 

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: Việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ và cá nhân thể hiện chính sách ưu tiên đầu tư của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp- nông dân – nông thôn. Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020 sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, giúp người dân cải thiện đời sống, hỗ trợ nông dân có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất.

 

Trước đó, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Định mức phân bổ Ngân sách Nhà nước áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2011-2015.

 

Sáng mai (14/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo kết quả chuyến thăm Cộng hoà Cu Ba và dự hội nghị tham vấn cấp Chủ tịch Quốc hội G20 của đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam và báo cáo về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA 31)./.