Giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng

08:52, 14/10/2010

Xác định giáo dục truyền thống lịch sử là một trong những nội dung có tầm quan trọng đặc biệt đối với cán bộ đảng viên và nhân các dân tộc trong tình hình mới, từ năm 2001, huyện Định Hóa đã triển khai thực hiện Đề án Giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Định Hóa (giai đoạn 2001-2005) và năm 2006 là Đề án Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác giáo dục truyền thống cách mạng trên quê hương Định Hóa giai đoạn 2006-2010.

 

Đề án tập trung những nội dung chủ yếu như: Tổ chức giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức cụ thể; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, chống lại những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng văn hóa; khôi phục và tôn tạo các điểm di tích lịch sử trên quê hương để giáo dục cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ; đưa chương trình giáo dục truyền thống cách mạng vào trường học phổ thông…

 

Ông Hạc Văn Chinh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Định Hóa cho biết: Thông qua thực hiện Đề án với nhiều hoạt động cụ thể, những truyền thống cách mạng của quê hương Định Hóa đã tiếp tục được giữ gìn và phát huy trong các tầng lớp nhân dân. Giáo dục truyền thống cách mạng được thực hiện thông qua các hoạt động kỷ niệm các ngày truyền thống của huyện như: Khởi nghĩa Chợ Chu giành chính quyền về tay nhân dân (26/3/1945); ngày thành lập Đảng bộ huyện Định Hoá (26/6/1946); ngày Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ về ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp (20/5/1947)…

 

Cùng với đó, Ban Tuyên giáo huyện đã tích cực tham mưu cho cấp ủy huyện xây dựng kế hoạch xuất bản cuốn Biên niên lịch sử Định Hóa, đưa nhiều bài viết về lịch sử, truyền thống cách mạng, gương người tốt việc tốt vào cuốn thông tin nội bộ của Ban Tuyên giáo hay các chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình huyện nhằm góp phần nhân rộng những điển hình tiên tiến. Ngoài ra, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát, sưu tầm những hiện vật lịch sử cho phòng trưng bày truyền thống của huyện và tổ chức giới thiệu quảng bá về con người và truyền thống cách mạng của huyện. Hội Văn học Nghệ thuật huyện cũng triển khai 2 cuộc thi với chủ để: Bác Hồ với quê hương Định Hóa và về đất và người Định Hóa thu hút hàng trăm tác phẩm nghệ thuật.

 

Đặc biệt, trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã triển khai các hoạt động giáo dục truyền thống bằng nhiều chương trình hoạt động ngoài giờ và trên lớp theo chủ điểm hàng tháng như: Mừng Đảng, mừng Xuân; tiến bước theo Đoàn; Bác Hồ kính yêu; Truyền thống nhà trường và quê hương; Bộ đội Cụ Hồ… Các chủ điểm đều được gắn liền với các địa danh lịch sử, truyền thống Đảng bộ, chính quyền và con người Định Hóa. Ngoài ra, các môn học như lịch sử, giáo dục công dân đều được chỉ đạo lồng ghép những nội dung giáo dục truyền thống địa phương vào bài giảng trên lớp. Em Nguyễn Đặng Ngọc Sơn, học sinh lớp 9, Trường cấp 2, 3 Bình Yên tâm sự: “Chúng em rất háo hức tham gia các hoạt động ngoại khóa hàng tháng, thông qua các hoạt động này giúp chúng em hiểu thêm lịch sử quê hương, thêm tự hào về truyền thống hào hùng của ông cha”.

Giáo dục truyền thống cách mạng còn được thực hiện thông qua các hội thi từ cơ sở đến cấp huyện như: Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi; Báo cáo viên giỏi kể truyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Đảng bộ các xã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Đảng bộ địa phương như Trung Hội, thị trấn Chợ Chu... Gắn nội dung giáo dục tư tưởng với các sinh hoạt chính trị tại các xóm, bản như: Học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… đã được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, từ đó xuất hiện nhiều phong trào thi đua lao động, sản xuất để vươn lên xóa đói giảm nghèo.

 

Ông Nguyễn Quang Tuyên, Bí thư Chi bộ thôn Tồng Kệt, xã Kim Sơn chia sẻ: Trong những năm qua, thôn đã tự vận động xây dựng được nhiều công trình tập thể như: mở đường giao thông dài 473m, rộng 2,5m vào tận khu vực rừng của xóm; bê tông hóa toàn bộ đường trong xóm dài 2,1km rộng 0,7m; xây dựng Nhà văn hóa xóm trị giá 47 triệu đồng; Chi bộ Đảng đã làm tốt công tác sinh hoạt chính trị, giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng, đặc biệt là thực hiện tốt Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

 

Ông La Công Lợi, cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa ở thị trấn Chợ Chu phấn khởi: Thông qua các hoạt động giáo dục truyền thống, tôi thấy nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là thế hệ trẻ đã hiểu biết nhiều hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của các di tích lịch sử, truyền thống cách mạng địa phương, từ đó biết giữ gìn các giá trị văn hóa, ngày càng phát huy tốt các giá trị truyền thống của quê hương”.