Hơn 100 ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện

19:01, 20/10/2010

Chiều nay 20/10, các đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh chia làm 10 tổ thảo luận nhằm đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đã có trên 100 ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện đại hội.

 

 [embed][VIDEO-BAOTHAINGUYEN][/embed]

 

Đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, các đại biểu đều có chung nhận định: Văn kiện trình Đại hội XI được chuẩn bị kỹ, công phu, chất lượng, kết cấu ngắn gọn, logic, khoa học thể hiện được ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân. Nội dung dự thảo Văn kiện phong phú, đề cập toàn diện, khái quát nội dung tổng thể những vấn đề trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị... đánh giá khách quan, đầy đủ tình hình đất nước 5 năm qua, 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập và phát triển. Xác định mục tiêu, phương hướng phát triển đất nước giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Các đại biểu cũng đóng góp chỉnh sửa về một số câu, từ, nhận định trong dự thảo báo cáo và ghi phiếu tham gia vào dự thảo một số vấn đề bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.

 

Đối với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII và khẳng định thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, Thái Nguyên vẫn đạt mức độ tăng trưởng cao, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đề ra; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện; nhiều công trình kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển; an ninh chính trị giữ vững. Các đại biểu cũng đóng góp vào những vấn đề cụ thể như: Các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đưa ra trong văn kiện chưa rõ nét; một số chỉ tiêu đề ra cao so với thực tế, nhất là chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh phấn đấu đạt 45 triệu đồng/năm khó thực hiện. Ở lĩnh vực công nghiệp hiện nay tỉnh mới quan tâm đến các doanh nghiệp lớn, chưa quan tâm thích đáng đến doanh nghiệp nhỏ - nơi mà giải quyết rất nhiều việc làm cho lao động. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp và tăng thu ngân sách đến năm 2015, đề nghị tỉnh cần tạo ra điểm đột phá trong giai đoạn 2010-2015 là gì? nguồn lực nào để tạo ra động lực phát triển. Bên cạnh đó, cần lựa chọn một số sản phẩm riêng của Thái Nguyên, tạo ra sức cạnh tranh lớn để tập trung nguồn lực đầu tư. Đối với các khu công nghiệp cũng nên tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để thu hút các dự án lớn vào khu công nghiệp. Có như vậy việc hoàn thành các chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách sẽ không khó khăn.

 

Về quy hoạch phát triển năng lượng, T.W cũng cần có chính sách đa dạng hóa đầu tư, không nên để một số đơn vị độc quyền đầu tư như hiện nay, nhằm tránh tình trạng thiếu điện trầm trọng như thời gian qua. Trong lĩnh vực nông nghiệp chưa có giải pháp đột phá phát triển cây chè, mặc dù coi đây là cây trồng thế mạnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Vì thế, trong thời gian tới cần quan tâm hơn đến công tác quy hoạch vùng chè, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng như đầu tư cho lĩnh vực chế biến, bảo quản chè. Về lĩnh vực giáo dục, y tế một số đại biểu cho rằng muốn nâng cao chất lượng giáo dục chỉ quan tâm đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học là chưa đủ. Phải có chiến lược trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, có cơ chế hỗ trợ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Trên địa bàn tỉnh có Đại học Thái Nguyên đây là lợi thế so sánh so với các tỉnh khác, nhưng thời gian qua tỉnh chưa huy động được sự đóng góp của cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học vào sự phát triển của tỉnh. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 100% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế khó đạt được, vì nhiệm kỳ trước không đạt được chỉ tiêu này, cần xây dựng các giải pháp cụ thể hơn để đạt được mục tiêu đề ra.

 

Đối với chỉ tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí “nông thôn mới” là rất khó thực hiện. Về lĩnh vực du lịch phấn đấu doanh thu toàn ngành tăng bình quân hằng năm 25%, nhưng phần giải pháp đề ra còn chưa tương xứng. Đề nghị trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, ngoài đầu tư khu du lịch trọng điểm Hồ Núi Cốc cần quan tâm đến các địa phương có tiềm năng về  du lịch trong vấn đề quy hoạch, xây dựng hạ tầng, đào tạo cán bộ. Chỉ tiêu giải quyết việc làm mới bình quân hằng năm cho 15 nghìn lao động là không hợp lý, bởi nhiệm kỳ trước đã thực hiện được chỉ tiêu này rồi, nhiệm kỳ này tập trung phát triển công nghiệp thì con số phải cao hơn mới tương xứng. Quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn như đầu tư cơ sở vật chất, thu gom rác thải, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nâng cao nhận thức trong việc đảm bảo môi trường trong sạch. Một số ý kiến cũng đề nghị tỉnh dành kinh phí đầu tư nâng cấp các trung tâm giáo dục chữa bệnh để góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, cũng như xây dựng chính sách riêng trong thu hút nhân tài về tỉnh công tác…