Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội

11:38, 23/10/2010

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, đã có nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu gửi tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015. Báo Thái Nguyên điện tử xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số ý kiến đó

  

*Nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp

(Đồng chí Đinh Khắc Hiển, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công Thương)

 

Giai đoạn 2006-2010, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại của tỉnh có bước phát triển khá, Ngành Công Thương Thái Nguyên đã hoàn thành, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu được giao, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) chung của tỉnh. Song, bên cạnh đó cũng còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục như: cơ cấu nội bộ ngành chưa hợp lý, mức độ đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng CHN-HĐH. Để đạt được  mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra ngành Công thương sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: Thường xuyên rà soát, đề xuất xây dựng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, thương mại phù hợp.Tổ chức quản lý có hiệu quả và hướng dẫn thực hiện đúng các quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch của ngành; đảm bảo gắn kết giữa quy hoạch ngành, sản phẩm với quy hoạch phát triển KT-XH; huy động mọi nguồn vốn và sử dụng có hiệu quả trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp; khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; xã hội hoá các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích; ứng dụng các hình thức thương mại điện tử, sàn giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại…Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ và bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp; gắn chế biến nông sản với chế biến vùng nguyên liệu tập trung. Tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp khoa học công nghệ nhằm phát huy năng lực về nghiên cứu đào tạo. Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng truyền thống có thế mạnh của địa phương…  

 

 *Giải pháp thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thuỷ sản

(Đồng chí Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là nội dung quan trọng của CNH-HĐH nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề được xác định rõ tại Hội nghị T.W Đảng lần thứ V (khoá IX). Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông, lâm nghiệp, thuỷ sản thời kỳ 2011-2015. Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu như báo cáo chính trị trình tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và triển khai có kết quả các quy hoạch về tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá mới có giá trị kinh tế cao, an toàn. Trong đó, đưa các giống cây trồng có năng suất chất lượng cao phù hợp với điều kiện vào sản xuất; tăng diện tích cây keo nhập từ Úc vào trồng rừng để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân làm nông nghiệp; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp, chăn nuôi trang trại, chăn nuôi gia đình có quy mô lớn; khai thác tốt các diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản. Đi đôi là làm tốt công tác thú y, thú y thuỷ sản, bảo vệ thực vật, bảo vệ phát triển rừng. Thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, chính sách khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản.

 

*Nâng cao chất lượng quản lý đô thị

(Đồng chí Dương Ngọc Long, Bí Thư Thành ủy,Thành phố Thái Nguyên)

           

Trong những năm qua, công tác quản lý đô thị tại thành phố Thái Nguyên (TPTN) luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, nên tỉnh và thành phố đã dành nguồn kinh phí khá lớn đầu tư phát triển đô thi, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Vì vậy, bộ mặt đô thị TPTN có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh cũng còn bộc lộ những mặt còn hạn chế. Để khắc phục những yếu kém, xây dựng TPTN xứng đáng là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, trong thời gian tới, Đảng bộ thành phố xác định một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý đô thị. Đó là đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch và nâng cao chất lượng của đồ án quy hoạch. Trong đó, phấn đấu hoàn thiện quy hoạch xây dựng; công bố quy hoạch; tăng cường quản lý quy hoạch. Nâng cao chất lượng quản lý đất đai bằng việc tăng cường lãnh đạo các cấp, ngành, nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định, chính sách về đất đai. Rà soát các dự án đầu tư trọng điểm, nhất là các dự án xây dựng khu đô thị, các doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả để kiến nghị xử lý, nhằm khai thác có hiệu quả đất đai. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tổ chức công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Huy động tối đa các nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án trọng điểm. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý cương quyết  những trường hợp vi phạm về đất đai. Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất sẽ tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc các dự án, tạo điều kiện cho các dự án thực hiện theo kế hoạch và tiến độ đã phê duyệt; ưu tiên đủ vốn cho công tác giải phóng mặt bằng. Đi đôi là tăng cường quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị; đẩy mạnh công tác xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị…

 

 *Để đẩy nhanh tốc độ đầu tư, cần quan tâm tới quản lý, xúc tiến đầu tư

 (Đồng chí Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư)

 

Có thể nói, trong những năm qua, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện rất nhiều. Theo đánh giá của VCCI, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thái Nguyên trong năm 2009 đã tiến thêm 19 bậc trên bảng xếp hạng (từ vị trí 51 năm 2008 đã vươn lên thứ 32 năm 2009). Những thành tích đã đạt được thể hiện rõ nét như: hàng nghìn nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến Thái Nguyên tìm hiểu và ký kết đầu tư; bình quân mỗi năm toàn tỉnh huy động 6.500 tỷ đồng cho đầu tư phát triển; các doanh nghiệp mới đăng ký thành lập mới ngày càng tăng…Tuy nhiên, bên cạnh cũng còn một số hạn chế, trong đó có nguyên nhân từ hai phía: Nhà nước và các nhà đầu tư. Để đạt được tốc độ đầu tư nhanh hơn trong nhiệm kỳ 2010-2015, trong lĩnh vực quản lý, xúc tiến thu hút đầu tư, chúng ta cần phải tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng tư vấn đầu tư, chất lượng giám sát, quản lý dự án. Trong lĩnh vực xúc tiến, thu hút đầu tư phải tập trung ưu tiên làm tốt công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết để khi có dự án đầu tư, việc lựa chọn vị trí sẽ dễ dàng hơn, đảm bảo đúng quy hoạch và đặc biệt là sự phát triển bền vững, không làm ô nhiễm môi trường. Mặt khác, tăng cường làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, thông qua công tác đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.Có như vậy, chúng ta sẽ tăng đáng kể nguồn thu từ tiền sử dụng đất, đồng thời lựa chọn được chủ đầu tư có khả năng tài chính thực sự để triển khai dự án. Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp thông tin và các dịch vụ công tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tiếp cận các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng , Nhà nước, địa phương thì cần phải xem xét, lựa chọn một cách thích hợp, ưu tiên các dự án có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao; các dự án có trình độ  công nghệ tiên tiến, có tính đột phá để tạo điều kiện cho bước phát triển nhanh trong các  nhiệm kỳ tiếp theo.

 

*Xây dựng Phổ Yên trở thành đô thị công nghiệp 

(Đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên)

 

Với định hướng chủ yếu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội huyện Phổ Yên giai đoạn 2010-2015 là: tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư là gải pháp trọng tâm cho kế hoạch tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Phổ Yên sớm trở thành đô thị công nghiệp theo hướng hiện đại. Đồng thời đề ra mục tiêu là: tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân từ 20% trở lên. Để đạt được mục tiêu đề ra, Đại hội Đảng bộ huyện Phổ Yên lần thứ XXVIII đã xác định một số giải pháp về tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. Trong đó, Phổ Yên tập trung vào công tác cụ thể hoá và triển khai thực hiện quy hoạch (QH) phát triển các ngành kinh tế theo các dự án đã được chấp thuận và đăng ký đầu tư cũng như danh mục các dự án mới để mời gọi, thu hút đầu tư; tập trung làm tốt công tác QH xây dựng gồm QH xây dựng đô thị; QH xây dựng nông thôn; làm tốt công tác QH và quản lý sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển; làm tốt công tác, bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư phát triển; nâng cao trách nhiệm xử lý giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến các hoạt động xúc tiến đầu tư và sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động mà trọng tâm là tăng cường công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tăng cường công tác trật tự trị an, đảm bảo an toàn cho các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh.