Nghiên cứu đường sắt cao tốc dưới dạng báo cáo khả thi

11:52, 24/11/2010

Trả lời chất vấn của một số đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang nghiên cứu dưới dạng báo cáo khả thi nhằm phục vụ quy hoạch giao thông vận tải,  quy hoạch tuyến Bắc - Nam trong tương lai…

 

Phân cấp, phân công về quản lý công trình giao thông, xây dựng hạ tầng giao thông trong nội đô thành phố, việc tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh là những vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng trong phiên chất vấn chiều 23/11 tại Hội trường Quốc hội.

 

Một số đại biểu chất vấn vì sao dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam không được Quốc hội thông qua trong kỳ họp trước mà Bộ GTVT vẫn tiến hành mời phía Nhật Bản nghiên cứu dự án. Căn cứ pháp lý nào để tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt vấn đề.

 

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, tại kỳ họp trước, Quốc hội chưa thông qua chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam. Chính phủ chưa có chỉ đạo và Bộ cũng chưa tiến hành đầu tư.

 

Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ đã chủ động nghiên cứu rất nhiều dự án, dưới dạng đề xuất, khả thi hay tiền khả thi. Với dự án đường sắt cao tốc cũng đang nghiên cứu dưới dạng báo cáo khả thi, làm rõ thêm những vấn đề mà báo cáo tiền khả thi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiều đại biểu nêu lên…

 

"Trong nghiên cứu lần này, chúng tôi không nghiên cứu toàn tuyến Bắc- Nam mà nghiên cứu khả thi một số dự án như đường sắt trên cao nối dọc vành đai 3 trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài; đoạn đường sắt Hà Nội - Thanh Hóa; Nha Trang - TP Hồ Chí Minh", Bộ trưởng cho biết thêm.

 

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, nghiên cứu trên nhằm phục vụ trong quy hoạch giao thông vận tải, phục vụ quy hoạch tuyến Bắc - Nam trong tương lai, gắn với quy hoạch sử dụng đất.

 

Tất cả mới chỉ là bước nghiên cứu, “trên cơ sở đó, nếu thấy khả thi, có tính thực hiện sẽ báo cáo Quốc hội lúc thích hợp. Nếu Quốc hội đồng ý mới quyết định đầu tư", Bộ trưởng nói.

 

Cũng về vấn đề này, đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn vì sao chúng ta không chọn việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện có mà lựa chọn xây dựng đường sắt cao tốc.

 

Bộ trưởng trả lời, đường sắt của chúng ta đã có từ rất lâu, hiện chỉ có thể duy tu bảo dưỡng. Bộ trưởng khẳng định việc hiện đại hóa đường sắt cũ là không khả thi và gây ảnh hưởng tới việc lưu thông hiện tại trên các tuyến đường sắt.

 

Ngoài ra, việc phải ngưng tuyến vài ba năm để làm dự án là không khả thi. Về dự án này, Bộ trưởng cho rằng, “đã làm là phải đi ngay vào hiện đại”.

 

Phối hợp liên ngành trong quản lý công trình giao thông

 

Trả lời chất vất của đại biểu Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) về việc xuất hiện những hố "tử thần" (sụt lún mặt đường) tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết nguyên nhân của hiện tượng này là do việc tái lập mặt đường chưa đúng quy định, do sự xuống cấp hư hỏng của các công trình ngầm, do cấu tạo địa chất, việc khai thác nước ngầm tùy tiện...

 

Theo Bộ trưởng, hiện Bộ GTVT không làm chủ đầu tư bất cứ công trình nào trong việc xây dựng hạ tầng nội đô thành phố, Bộ chỉ đảm nhận một vài công trình lớn. Trong việc tái lập mặt bằng chưa đạt yêu cầu, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng đã nêu lên trách nhiệm của Bộ trong việc đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông.

 

Đồng tình với sự phân tích của đại biểu Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh) là có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết Luật đã phân công việc quản lý kết cấu hạ tầng đô thị thuộc Bộ Xây dựng, trong đó kết cấu hạ tầng có nhiều vấn đề (hạ tầng ngầm, có đường giao thông, chiếu sáng, cấp thoát nước....). Nguyên nhân là do trước đây giao thông công chính cùng chung một nhiệm vụ, giờ tách giao thông với công chính đã dẫn đến hiện tượng chồng chéo trong quản lý.

 

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu và bàn bạc với Bộ Xây dựng để tìm phương án trình Chính phủ giải quyết những chồng chéo này.

 

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) về việc chậm tiến độ các công trình giao thông, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận đây là một thực tế do nhiều nguyên nhân.

 

Bên cạnh một số nguyên nhân như việc chuẩn bị dự án mất nhiều thời gian, trong đó có cả vấn đề về chất lượng tư vấn và chuẩn bị đầu tư; trình độ năng lực của nhà thầu; giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng khẳng định sự phối hợp liên ngành giữa chủ đầu tư, các bộ, ngành liên quan với địa phương chưa tốt là một trong những nguyên nhân của tình trạng này.

 

Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo ráo riết về thể chế, nâng cao năng lực nhà thầu... và gần đây nhất, việc ra đời của Nghị định 69 về giải phóng mặt bằng góp phần đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề này. Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để giải quyết trong thời gian tới.