Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Bầu cử

17:10, 08/11/2010

Sáng 8/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND.

  

Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với ý kiến sửa đổi, bổ sung báo cáo thẩm tra, đại biểu cũng thống nhất tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Theo đó, chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề cấp bách nhằm tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND trong cùng một ngày.

 

19 ý kiến thảo luận sáng nay đều tập trung vào những vấn đề chung của Luật và thuật ngữ, câu chữ trong văn bản. Về phạm vi sửa đổi do chưa có tổng kết, tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho nên lần này Quốc hội chưa đặt vấn đề sửa đổi một cách toàn diện hai Luật Bầu cử nêu trên. Do từ nay đến khi tiến hành bầu cử năm 2011 còn thời gian ngắn, nên Quốc hội chỉ tập trung sửa đổi những vấn đề vướng mắc, bức xúc tồn tại liên quan đến tổ chức phụ trách bầu cử; trình tự, thủ tục tiến hành bầu cử; thời gian bầu cử và các vấn đề liên quan đến tổ chức bầu cử cơ sở. Vì vậy, nhiều vấn đề khác do đại biểu nêu ra, như: tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu HĐND, cơ cấu, người Việt Nam ở nước ngoài, người hai quốc tịch và nhiều vấn đề khác sẽ được nghiên cữu kỹ để tiến hành khi sửa đổi, bổ sung Luật cơ bản.

 

Về việc thành lập tổ chức phụ trách bầu cử địa phương, có ý kiến cho rằng nên đặt ra thường trực HĐND phối hợp UBND và MTTQ ở địa phương để thay cho UBND hiện nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nghiên cứu.

 

Về số lượng thành viên Hội đồng bầu cử cũng được nhiều đại biểu quan tâm và nêu ý kiến nhiều phương án cụ thể. Có ý kiến đề nghị nên quy định từ 5-21 người để phù hợp với khu vực bỏ phiếu, khi địa phương có số lượng đông từ 300-4.000 cử tri thì hoạt động linh hoạt hơn.

 

Về thành phần tham gia tổ bầu cử, cũng có ý kiến đề nghị nên viết rõ hơn vì quy định thành lập tập thể cử tri ở địa phương là chưa rõ, nên quy định như luật hiện hành là đại diện cử tri. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị phải có hướng dẫn.

 

Vấn đề được đại biểu quan tâm nhiều là số dư ứng cử viên tại các đơn vị bầu cử. Quy định như dự thảo nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị, nguyên tắc ở mỗi đơn vị bầu cử chỉ có số chính thức là 2 người, trừ trường hợp bất khả kháng sẽ do Hội đồng bầu cử quyết định.

 

Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) đề nghị: Về số dư tại các đơn vị bầu cử tại Điều 46, dự thảo luật quy định số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó. Quy định như vậy là quá chung, không cụ thể, nhiều là bao nhiêu người, 1, 2 hay 3 người?. Luật cũng quy định, nếu đơn vị đó bầu 3 đại biểu, số dư ít nhất 2 đại biểu, quy định này quá cụ thể nhưng không rõ, vì không chỉ có đơn vị bầu 3 đại biểu mà có đơn vị cá biệt bầu 1 đến 2 đại biểu… Đề nghị dự án Luật quy định mỗi đơn vị bầu cử có số dư ít nhất là 2 người, để nâng cao tính lựa chọn trong công tác bầu cử.

 

Các vấn đề về thẻ cử tri, kê khai tài sản, quy trình hiệp thương... các ý kiến chung đều đồng ý các bước hiệp thương nhưng cũng có loại ý kiến đề nghị thời gian để các bước thỏa đáng hơn, cụ thể ở bước 2 và bước 4. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị vật chất phương tiện cũng phải tăng cường hơn vì số lượng công việc nhiều đòi hỏi thời gian xử lý nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là thời điểm công bố ngày bầu cử, các đại biểu, Nguyễn Hồng Nhị (đoàn Nghệ An), Nguyễn Duy Nguyên (đoàn Hưng Yên) cho rằng, từ nay đến khi diễn ra bầu cử không còn nhiều, việc công bố thời gian thành lập Hội đồng bầu cử ở Trung ương và Ban bầu cử ở địa phương cần tiến hành sớm, có thể từ 120 ngày để tạo tính công bằng, dân chủ trong bầu cử và đảm bảo thời gian các bước hiệp thương. Về thời gian tiến hành các công việc của các tổ chức bầu cử địa phương cũng cần phải cân nhắc hợp lý…

 

Trước đó, chiều 25/10 các đại biểu đã thảo luận ý kiến ở tổ và đã được tập hợp đầy đủ, trong đó có nhiều ý kiến nêu xác đáng. Những ý kiến này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu cùng với ý kiến tại Hội trường sáng nay để giải trình tiếp thu xin ý kiến Quốc hội thông qua.