Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị tại Thái Nguyên

16:07, 30/12/2010

Ngày 30/12, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TW - Phó Trưởng Ban Thường trực  Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại TW đã kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới” tại Thái Nguyên.

 

Tham dự buổi làm việc có đại diện các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh và Hội VHNT các dân tộc thiểu số tỉnh. Đồng chí Lê Quang Dực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp.

 

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau khi có Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện. Qua đó các lĩnh vực chính trị, tư tưởng và các hoạt động khác đã đạt được một số kết quả nổi bật: Hội VHNT đã triển khai xây dựng Đề án phát triển từ nay đến 2015 và tầm nhìn 2020; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai sâu rộng Nghị quyết đến Phòng Văn hóa Thông tin các huyện, thành, thị. Hội VHNT các dân tộc thiểu số đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị  tổ chức nhiều chương trình; khuyến khích hội viên sáng tác, có 21 tác phẩm được xét đầu tư….

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 23 - NQ/TW, cụ thể là: Chưa có nhiều tác phẩm VHNT được đánh giá cao, lĩnh vực lý luận phê bình còn yếu, các tác phẩm chưa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh; một số chương trình dàn dựng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn khiếm khuyết.

 

Đại diện Hội VHNT, Hội VHNT thiểu số đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong thực hiện Nghị quyết 23- NQ/TW. Đó là: các chi hội hoạt động không đều; phát hành sách báo văn học, nghệ thuật gặp khó khăn, kinh phí hoạt động còn hạn hẹp... Từ đó, đại diện các Hội đề nghị: coi các Hội VHNT là một thiết chế văn hóa, cần có trụ sở, có nơi công bố tác phẩm, tổ chức trại sáng tác VHNT. Việc xuất bản tác phẩm của hội viên hiện nay do các nhà xuất bản thẩm định gây tốn kém, vất vả cho các tác giả trong khi số tiền đầu tư ít, đề nghị Sở Thông tin truyền thông thẩm định và cấp giấy phép xuất bản.

 

Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh đã ghi nhận những chuyển biến từ khi thực hiện Nghị quyết, đó là: Đã triển khai Nghị quyết bài bản; có tầm nhìn về phát triển VHNT; hoạt động thực hiện Nghị quyết có kết quả. Để hoạt động VHNT phát triển trên bề rộng và chiều sâu, đồng chí gợi mở: Cần khai thác sử dụng tối đa thế mạnh vốn có của vùng đất; trong hoạt động cũng như chỉ đạo cần xác định trọng tâm, trọng điểm, trong từng thời kỳ. Cụ thể là: văn nghệ sĩ cần tham gia tích cực, hiệu quả hơn Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”’; các tác phẩm VHNT cần lấy trọng tâm là ca ngợi, cổ vũ biểu dương nhân tố điển hình; coi trọng phổ biến, quảng bá tác phẩm…Về những đề xuất của các cơ quan chức năng, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh ghi nhận để báo cáo Ban Bí thư trong thời gian tới.